Chuyện gì đang xảy ra ở Niger?

15:21 - Thứ Năm, 17/08/2023 Lượt xem: 4707 In bài viết

Cuộc đảo chính quân sự mới đây ở Niger đã tiếp tục làm dấy lên những quan ngại về tình hình chính trị bất ổn của quốc gia Tây Phi này và cả những nguy cơ đối với an ninh khu vực.

Chính quyền quân sự ở Niger sẵn sàng đàm phán

Diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình chính trị ở Niger cho thấy, chính quyền quân sự ở Niger ngày 15/8 đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực do cuộc đảo chính tại nước này hồi tháng trước gây ra. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Tây Phi này.

Thủ tướng do chính quyền quân sự ở Niger chỉ định, ông Ali Mahamane Lamine Zeine nói: "Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi. Chúng tôi đã giải thích mọi thứ từ đầu đến cuối, sẵn sàng cởi mở và đối thoại với tất cả các bên; nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng, đất nước của chúng tôi cần được độc lập".

Thủ tướng do chính quyền quân sự ở Niger chỉ định, ông Ali Mahamane Lamine Zeine. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Trước đó, ông Ali Mahaman Lamine Zeine - người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2002 đến năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Mamadou Tandja, được chính quyền quân sự Niger chỉ định giữ vị trí Thủ tướng nước này. Động thái này được đưa ra sau cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 26/7 khi tổng thống đắc cử Mohamed Bazoum bị quân đội lật đổ và giam giữ.

Một mặt nhất trí sẵn sàng đàm phán, một mặt chính quyền quân sự Niger thông báo sẽ truy tố Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum với cáo buộc phản quốc và phá hoại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước, bởi họ cho rằng, điều này cho thấy chính quyền quân sự Niger không sẵn sàng tìm kiếm con đường hoà bình để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho rằng, nỗ lực nhằm đưa ra các cáo buộc chống lại ông Bazoum "rất đáng quan ngại”, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự Niger trả tự do cho ông Bazoum.

Những nguy cơ đối với an ninh khu vực

Cuộc đảo chính ở Niger là cuộc đảo chính thứ 7 trên khắp Tây và Trung Phi trong vòng 3 năm qua, đã làm dấy lên một loạt vấn đề vượt xa khỏi biên giới Niger, đặt ra những thách thức trong các lĩnh vực địa chính trị, kinh tế và an ninh, có khả năng gây bất ổn cho khu vực Sahel.

Cuộc đảo chính hôm 26/7 ở Niger đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu khủng hoảng tại Niger trầm trọng hơn.

Giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) có kế hoạch nhóm họp tại Ghana trong hai ngày 17 - 18/8 để thảo luận về khả năng can thiệp quân sự ở Niger.  (Ảnh: The Guardian)

Cả 3 nước láng giềng của Niger, bao gồm Mali, Burkina Faso và Cộng hòa Chad đều đã chứng kiến các cuộc đảo chính kể từ năm 2020. Một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có cả Senegal, gần đây đã trải qua bất ổn chính trị nghiêm trọng. Những bất ổn từ các quốc gia láng giềng và cả từ Niger đã khiến mối lo ngại về an ninh khu vực trở nên rõ nét hơn. Ông Sean McFate – chuyên gia về châu Phi tại Đại học Syracuse cho rằng: “Đây là xu hướng đáng báo động. Càng nhiều cuộc đảo chính xảy ra, nguy cơ bất ổn càng lớn và xu hướng thành lập các chính quyền quân sự trên khắp khu vực châu Phi ngày càng gia tăng”.

Nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Niger, các nguồn thạo tin ngày 15/8 cho biết, giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) có kế hoạch nhóm họp tại Ghana trong hai ngày 17 - 18/8 để thảo luận về khả năng can thiệp quân sự ở Niger, nhằm khôi phục quyền lực của Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã điện đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự của Mali về cuộc đảo chính gần đây ở nước láng giềng Niger. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Điện Kremlin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình hình ở Niger thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình.

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết thực hiện một giải pháp ngoại giao và nhấn mạnh, Niger là một đối tác mà Washington không muốn đánh mất.

Nguyên nhân nào dẫn đến cuộc đảo chính ở Niger?

Kể từ khi giành độc lập, Niger đã trải qua 4 cuộc đảo chính, cũng như nhiều lần đảo chính bất thành. Trước khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 26/7 vừa qua, cuộc đảo chính gần nhất ở Niger xảy ra vào tháng 2/2010, khiến Tổng thống khi đó là Mamadou Tandja bị lật đổ.

Giáo sư Olayinka Ajala, nhà khoa học chính trị chuyên về châu Phi tại Đại học Leeds Beckett (Anh) đánh giá tình trạng bất ổn về an ninh và đình trệ về kinh tế tại Niger đã góp phần dẫn tới cuộc đảo chính quân sự mới nhất này.

Những chiếc xe ô tô bị cháy rụi bên ngoài trụ sở Đảng Dân chủ và Xã hội Niger của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum (Ảnh: AFP/Getty Images) 

Niger là quốc gia Tây Phi không giáp biển, có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số trên 25 triệu người. Niger luôn ở nhóm những quốc gia nghèo nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người là 533 USD, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12.633 USD vào năm 2022. Hiện một nửa người dân quốc gia Tây Phi này vẫn sống trong cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.

Niger nằm ở sa mạc Sahara và liên tục bị sa mạc hóa, hạn hán và mất mùa đẩy người dân Niger vào tình thế đói nghèo, thường xuyên phải nhận viện trợ lương thực. Trong khi đó, quốc gia này cũng liên tục bị khủng bố hoành hành. Từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2022, đã có ít nhất 13 vụ khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan xảy ra ở nước này khiến hàng ngàn người chết.

Thế nhưng Niger lại có trữ lượng uranium lớn và hiện là nước xuất khẩu uranium đứng thứ 7 toàn cầu. Quốc gia này cung cấp hơn 25% uranium cho châu Âu và vẫn là nhà cung cấp hàng đầu của lục địa già vào năm 2021. Chính vì vậy, Niger tuy nghèo khó nhưng lại là “mảnh đất màu mỡ” khiến nhiều nước nhòm ngó.

Những diễn biến mới trên chính trường Niger đã khiến Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) phong tỏa các giao dịch tài chính và nguồn cung cấp điện cho Niger, đồng thời đóng cửa biên giới với quốc gia không giáp biển này khiến việc tiếp cận các mặt hàng thiết yếu vô cùng khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc, cuộc sống của người dân Niger – vốn dĩ nghèo khó sẽ càng trở nên khó khăn và bất ổn hơn rất nhiều.

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top