Ngày 16-8, nhật báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ Washington đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và một số quốc gia Đông Âu nhằm thiết lập các tuyến đường thay thế để phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
WSJ cho hay theo kế hoạch, đến tháng 10, sản lượng ngũ cốc hằng tháng của Ukraine dự kiến sẽ tăng lên mức 4 triệu tấn. Một phần đáng kể ngũ cốc của nước này sẽ được vận chuyển dọc theo sông Danube cũng như qua Biển Đen đến các cảng của Romania ở gần đó để đưa tới những điểm đến khác. Tuy nhiên, tuyến đường này có chi phí đắt đỏ và chậm hơn.
Cùng ngày, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Mỹ kêu gọi Nga ngay lập tức quay lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Quan chức này nêu rõ Washington đang tìm kiếm các phương án và hành lang để vận chuyển ngũ cốc, song không cung cấp thêm chi tiết.
Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) cũng đang tiếp tục nỗ lực ngoại giao để đưa Nga quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết tàu chở hàng Joseph Schulte treo cờ Hong Kong (Trung Quốc) đã rời cảng Odesa vào sáng 16-8. Đây cũng là tàu đầu tiên di chuyển dọc theo các hành lang tạm thời được thiết lập cho các tàu dân sự đến và xuất phát từ các cảng ở Biển Đen.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh diễn biến trên, khẳng định Ukraine đã thực hiện được bước đi quan trọng việc hướng tới khôi phục tự do hàng hải ở Biển Đen.
Trước đó, Hải quân Ukraine thông báo hành lang nhân đạo tạm thời mới đã bắt đầu hoạt động từ ngày 10-8. Theo người phát ngôn của Hải quân, ông Oleh Chalyk, sử dụng hành lang này dự kiến sẽ là các tàu thương mại bị mắc kẹt tại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine, chuyên chở các mặt hàng như ngũ cốc và các loại nông sản khác. Hoạt động vận chuyển trên hành lang này sẽ được ghi lại bằng các camera được lắp trên các tàu, và được phát sóng để cho thấy đây đơn thuần là một "sứ mệnh nhân đạo" và không có mục đích quân sự.
LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Trong khuôn khổ sáng kiến đạt được hồi tháng 7-2022, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17-7 vừa qua. Sau thời hạn này, Nga không gia hạn thỏa thuận với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này đã không được các bên còn lại thực hiện. Moskva khẳng định ngay khi các bên còn lại tuân thủ đầy đủ các cam kết đối với Nga, nước này sẽ "ngay lập tức" trở lại thực hiện thỏa thuận.