Hơn một tháng sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để ứng phó với khả năng hiện tượng El Nino ảnh hưởng tiêu cực tới mùa màng, nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu đang tiến dần tới ngưỡng cảnh báo nghiêm trọng.
Nguồn cung thiếu hụt nặng nề đẩy giá gạo thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua khiến nhiều quốc gia nghèo ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% thương mại gạo toàn cầu, Ấn Độ đã xuất khẩu 22 triệu tấn trị giá 9,66 tỷ USD tới 140 quốc gia vào năm 2022. Bởi vậy, kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20-7, giá mặt hàng ngũ cốc này trên toàn cầu đã tăng từ 15% đến 20%. Theo Hãng tin Bloomberg, với mức 650 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chưa từng cao như vậy kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào tháng 10-2008. Trong khi đó, các dự báo đều cho rằng giá gạo chất lượng cao của Việt Nam có thể sớm đạt mức 700 USD/tấn.
Hiện tại, nguồn cung gạo chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, các hiệu ứng dữ dội của hiện tượng thời tiết El Nino gần đây khiến không ít quốc gia lo ngại, sản lượng vụ mùa của khu vực này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, gạo từ châu Á chiếm 90% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, lúa ở châu Á lại dễ bị ảnh hưởng bởi El Nino, một kiểu khí hậu gây ra bởi sự nóng lên của mặt nước ở phía đông Thái Bình Dương dẫn đến sự gia tăng cả lượng mưa và hạn hán. Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi El Nino 60% thời gian, nhưng Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, bị ảnh hưởng nặng nề tới 100%.
Ngoài El Nino kéo dài từ 9 đến 12 tháng, sản lượng gạo và các loại ngũ cốc khác còn phải đối mặt với những rủi ro về thời tiết do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ví dụ, Philippines đang siết chặt quản lý nước bởi lượng mưa dự báo có thể ít hơn trong những tháng tới. Quốc đảo này là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai sau Trung Quốc và Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm đủ các phương án phòng ngừa thiếu hụt lương thực, đặc biệt trong bối cảnh cơn bão Doksuri vừa tấn công khu vực sản xuất lúa gạo phía Bắc, gây thiệt hại cho vụ lúa trị giá 32 triệu USD - ước tính chiếm 22% sản lượng hàng năm của nước này.
Bên cạnh tác động của lệnh cấm xuất do Ấn Độ ban hành, một nguyên nhân quan trọng khiến giá gạo không ngừng “phi mã” đó là mối quan ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung dài hạn khiến các quốc gia phụ thuộc vào gạo đẩy mạnh việc thu mua, tích trữ trong suốt 1 tháng qua. Tình trạng này khiến các quốc gia nghèo rơi vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho nước mình.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn “bão giá” gạo là người dân nghèo ở các nước Nam Á như Bangladesh và Nepal, những nước phụ thuộc vào gạo trắng Ấn Độ, và ở các nước châu Phi như Benin, Senegal, Togo và Mali, những nước nhập khẩu gạo tấm loại gạo rẻ nhất. Khi nguồn cung lương thực ngày càng hạn hẹp, nhiều dấu hiệu cho thấy, sự hoảng loạn bắt đầu xuất hiện ở Nepal, Bangladesh và một số quốc gia châu Phi. Ngay cả ở các quốc gia có nền kinh tế ổn định hơn như Philippines và Indonesia, chính phủ và người dân cũng không khỏi lo lắng vì ngành nông nghiệp và thủy sản đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi El Nino và các điều kiện biến đổi khí hậu khác.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, khoảng 462 triệu người bị suy dinh dưỡng. Khủng hoảng lương thực sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, tiếp tục gia tăng tỷ lệ đói nghèo. Trong khi đó, thực tế những năm qua cho thấy, mất an ninh lương thực quốc gia là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất ổn định đất nước bởi nó sẽ làm thay đổi kết cấu xã hội, gia tăng mâu thuẫn nội bộ, tạo tâm lý bất bình, chống đối của dân chúng đối với chính quyền, gây khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.
Bởi vậy, Beau Damen, một quan chức về tài nguyên thiên nhiên thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) bày tỏ lo ngại, an ninh lương thực thế giới đang ở thời điểm quyết định.