Ngày 24-8, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực môi trường của 185 quốc gia trên thế giới nhóm họp tại thành phố Vancouver (Canada) đã nhất trí thành lập Quỹ bảo tồn môi trường thiên nhiên toàn cầu.
Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các nước đóng góp cho quỹ này nhằm đáp ứng các mục tiêu, trong đó có việc đảm bảo 30% diện tích hành tinh trở thành khu vực được bảo vệ từ nay đến năm 2030.
Canada cho biết, nước này sẽ đóng góp 200 triệu CAD (147,2 triệu USD) và Vương quốc Anh cung cấp 10 triệu bảng Anh (12,6 triệu USD) vào cơ chế mang tên Quỹ khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu.
Quyền Thư ký điều hành Công ước LHQ về đa dạng sinh học David Cooper nhấn mạnh: "Chúng ta đã có một khởi đầu tốt. Hiện chúng tôi kêu gọi các cam kết tiếp theo của các quốc gia và từ các nguồn khác để những dự án đầu tiên thuộc quỹ mới có thể được triển khai vào năm tới".
Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận Avaaz cho biết, từ nay đến tháng 12 tới, Quỹ khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu cần huy động được 200 triệu USD từ ít nhất 3 nhà tài trợ để cơ chế này đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Cuộc họp trên diễn ra 8 tháng sau khi các chính phủ đã thông qua khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP15) ở Canada. Một trong 23 mục tiêu của khuôn khổ này là huy động các bên tham gia trong cả khu vực công và tư nhân chi 200 tỷ USD mỗi năm cho các sáng kiến bảo tồn thiên nhiên vào năm 2030, trong đó các nước phát triển đóng góp ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2025.
Quỹ khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu nói trên thuộc quản lý của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), cơ chế được thiết lập theo Công ước LHQ về đa dạng sinh học và Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, vốn đã cung cấp hơn 23 tỷ USD cho hàng nghìn dự án trong 30 năm qua. Theo GEF, các nước kém phát triển nhất thế giới và các quốc đảo nhỏ sẽ được ưu tiên nhận hơn 30% số tiền tài trợ của quỹ, trong đó khoảng 20% dành cho các dự án do người bản địa dẫn đầu.