Thượng đỉnh G20 giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu

15:42 - Thứ Sáu, 08/09/2023 Lượt xem: 5308 In bài viết

Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong hai ngày 9 và 10/9 là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới đối thoại thu hẹp bất đồng, đồng thời thống nhất các biện pháp cải cách cơ cấu nợ quốc tế, cải thiện an ninh lương thực-năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Với vai trò Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), Ấn Độ đã dành nhiều công sức để xây dựng chương trình nghị sự phù hợp với bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay. Từ đầu nhiệm kỳ, Ấn Độ đã lựa chọn chủ đề của năm G20 2023 là "Vasudhaiva Kutumbakam" theo tiếng Phạn, có nghĩa "Thế giới là một gia đình", cụm từ nhắc nhớ rằng cả thế giới tồn tại trong một tổng thể thống nhất và mọi quốc gia, dân tộc đều có sự gắn kết với nhau.

Gần một năm qua, Ấn Độ rất nỗ lực triển khai các cuộc họp để triển khai các ưu tiên, tập trung giải quyết hai chủ đề lớn là cải cách gánh nặng nợ của các quốc gia đang phát triển và chống biến đổi khí hậu, trong khi nỗ lực xoa dịu tranh cãi xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đây cũng được xem là những vấn đề sẽ tiếp tục bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 9 và 10/9 ở New Delhi. Ảnh: Business Standard.

Tờ SCMP cho hay, nhiều quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, bao gồm các nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka đang vật lộn với vấn đề nợ nần, vốn trở nên trầm trọng hơn do tác động của dịch COVID-19 cũng như các hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt. New Delhi kì vọng thông qua G20 thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn cũng như các ngân hàng phát triển đa phương và chủ nợ tư nhân trong việc giảm, giãn nợ.

Năm 2020, G20 công bố Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ để giúp một số nước nghèo giãn thời hạn thanh toán các khoản vay. Tuy nhiên, sáng kiến đó mới tập trung vào các thỏa thuận vay song phương cấp chính phủ. Giáo sư Biswajit Dhar tại Hội đồng Phát triển Xã hội có trụ sở ở New Delhi nhận định, nếu các nước G20 đạt đồng thuận tái cấp vốn hoặc bơm thêm vốn vào các định chế tài chính cho vay, họ có thể xóa nợ cho các nước gặp khó khăn.

Vấn đề giãn nợ được đánh giá là sẽ có tác động trực tiếp đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu, ưu tiên tiếp theo của Hội nghị G20. Các nhà khoa học khẳng định cần sự chung tay của toàn bộ thế giới để thể thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C thông qua cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và xuống mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Đối với các nước vật lộn với nợ nần, việc được giảm, giãn nợ là cách tốt nhất giúp họ phân bổ nguồn lực thực hiện chính sách phát triển kinh tế thân thiện với môi trường cũng như củng cố an ninh năng lượng và lương thực.

Giới truyền thông quốc tế cho biết, Ấn Độ và các cường quốc dự kiến đưa ra một số cam kết cụ thể hơn giúp đỡ các nước ứng phó với biến đổi khí hậu. Khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới hiện đang sinh sống ở các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hình thái thời tiết cực đoan. Hầu hết họ là công dân các quốc gia đang phát triển, được biết đến với thuật ngữ Global South hay "Nam bán cầu", tập trung ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. Thông qua diễn đàn G20, Ấn Độ có thể trở thành cầu nối truyền đạt những mong mỏi của thế giới đang phát triển tới các nước phương Tây phát triển hơn.

Trong diễn biến liên quan thể hiện quyết tâm của Ấn Độ trong việc gắn kết thế giới, Bloomberg ngày 7/9 nói rằng G20 đã nhất trí trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Thông tin này được đăng tải không lâu sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời AU trở thành thành viên thường trực của G20.

Theo Reuters, Ấn Độ còn đang chủ trì đàm phán về các quy tắc toàn cầu kiểm soát tiền điện tử. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman hôm 5/9 xác nhận các cuộc thảo luận về một khuôn khổ toàn cầu nhằm quản lý tài sản điện tử đang diễn ra. Thủ tướng Ấn Độ Modi gần đây nhấn mạnh: "Khi nền kinh tế kỹ thuật số lan rộng trên toàn cầu, nó sẽ kéo theo các mối đe dọa và thách thức an ninh. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải xây dựng sự đồng thuận về các nguyên tắc cấp cao của G20 để có một nền kinh tế kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy".

Là tập hợp các quốc gia chiếm 80% GDP và 75% thương mại toàn cầu, bất cứ quyết định nào của G20 đều mang tính thực thi rất cao và có ảnh hưởng sâu rộng. Hầu hết lãnh đạo các nước G20 và các tổ chức quốc tế lớn xác nhận sẽ sớm đến New Delhi, nơi họ dự kiến tổ chức một loạt cuộc gặp song phương và đa phương để thảo luận về các vấn đề quốc tế "nóng". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cách đây vài ngày thông báo Thủ tướng nước này Lý Cường sẽ dẫn đầu phái đoàn tham gia chuỗi sự kiện ở Ấn Độ.

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa hạ nhiệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không dự Hội nghị G20 mà cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov tới New Delhi. Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo Moscow có thể chặn tuyên bố chung của G20 nếu tuyên bố đó không phản ánh quan điểm của Nga về tình hình Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác. Ấn Độ thời gian qua cố gắng không để mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc xung đột Ukraine ngáng trở các nỗ lực chung của G20. Tờ TIME nói rằng, Ấn Độ có thể chọn cách tiếp cận mềm dẻo như của Indonesia năm ngoái để thúc đẩy G20 ra tuyên bố chung thành công.

Để bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh G20, nước chủ nhà Ấn Độ đã triển khai 130.000 nhân viên an ninh, trong đó phần lớn là cảnh sát thủ đô New Delhi. Phát ngôn viên không quân Ấn Độ cũng thông báo họ sẽ "triển khai các biện pháp toàn diện" để bảo vệ vùng trời New Delhi và các khu vực lân cận. Ngoài ra, giới chức Ấn Độ sẽ triển khai các hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) để ngăn chặn mọi mối đe dọa từ trên không. Khoảng 400 lính cứu hỏa cũng được điều động cùng phương tiện hiện đại.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top