Khi đồng minh rạn vỡ

16:32 - Thứ Sáu, 22/09/2023 Lượt xem: 6824 In bài viết

Mối quan hệ đồng minh tin cậy giữa Ba Lan và Ukraine đang bị cuốn vào những bất đồng ngày càng sâu sắc liên quan đến việc nhập khẩu nông sản Ukraine sau khi Ba Lan cùng với Hungary và Slovakia gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của nước này.

Ngày 21/9, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Polsat, trả lời câu hỏi về việc liệu Ba Lan có tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không trong khi hai nước đang tranh cãi về xuất khẩu ngũ cốc, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định: "Chúng tôi không còn chuyển giao vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi đang trang bị cho nước này những loại vũ khí hiện đại hơn". Thủ tướng Ba Lan đồng thời cho biết chính phủ nước này không có ý định gây nguy hiểm cho an ninh của Ukraine và sẽ không can thiệp khi các nước khác vận chuyển vũ khí tới Ukraine thông qua trung tâm quân sự ở thị trấn Rzeszow.

Bất đồng nổ ra giữa Ba Lan và Ukraine liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc đã khiến căng thẳng song phương trở nên sâu sắc hơn. Ảnh: Getty

Thông báo của Thủ tướng Morawiecki được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố Thứ trưởng Pawel Jablonski đã triệu Đại sứ Ukraine tại Warsaw Vasyl Zvarych để phản đối những phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho rằng một số quốc gia chỉ "giả vờ" đoàn kết với Ukraine, đồng thời chỉ trích cái mà ông cho là "sân khấu chính trị" xung quanh việc xuất khẩu ngũ cốc.

Nguồn cơn của chuỗi động thái này có liên quan đến dấu mốc tháng 5/2023, khi Ủy ban châu Âu áp lệnh cấm nông sản Ukraine xuất khẩu sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Romania để bảo vệ nông dân địa phương. Ngũ cốc Ukraine chỉ được phép quá cảnh qua những nước này để xuất sang các thị trường khác.

Hôm 5/6, lệnh cấm được gia hạn đến ngày 15/9, sau khi Ukraine cam kết thực hiện các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng. Vào ngày 15/9 vừa qua, Ủy ban châu Âu thông báo rằng EU sẽ không gia hạn thêm lệnh cấm đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang 5 quốc gia nói trên. Mặc dù vậy, Ba Lan, Hungary và Slovakia cùng ngày vẫn công bố các biện pháp hạn chế riêng đối với nhập khẩu ngũ cốc Ukraine. Cả Warsaw, Budapest và Bratislava đều khẳng định đang hành động vì lợi ích của nền kinh tế và động thái của họ là để bảo vệ người nông dân trước tình trạng dư thừa sản phẩm.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky cho biết nước này đã lên kế hoạch kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia. Đại diện thương mại Ukraine Taras Kachka cũng cảnh báo Kiev có thể cũng sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả với Ba Lan nếu Warsaw không từ bỏ các biện pháp cấm bổ sung.

Ngày 19/9, người phát ngôn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xác nhận Ukraine đã nộp đơn khiếu nại, dẫn đến động thái triệu Đại sứ Ukraine của Ba Lan. Trong một nỗ lực xoa dịu, ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Ukraine đã kêu gọi Ba Lan gạt cảm xúc sang một bên để giải quyết vấn đề ngũ cốc. "Phía Ukraine đã đưa ra cho Ba Lan một hướng mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề ngũ cốc. Chúng tôi hy vọng rằng các đề xuất của chúng tôi sẽ trở thành cơ sở để chuyển cuộc đối thoại sang một tiến trình mang tính xây dựng", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết.

Thế nhưng, quan hệ song phương tiếp tục xấu đi nhanh chóng với sự nổi giận của Chính phủ Ba Lan hôm 20/9 khi Tổng thống Ukraine Zelensky bóng gió rằng Warsaw đã "ngã vào tay Nga" sau khi áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine qua lãnh thổ nước này, đi ngược lại quyết định của Liên minh châu Âu. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski đã nhấn mạnh với Đại sứ Ukraine rằng tuyên bố của ông Zelensky là "không đúng sự thật", đặc biệt vì Ba Lan đã "ủng hộ Ukraine kể từ những ngày đầu xung đột". Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng cho rằng các động thái của Ukraine vừa qua đã "gây áp lực lên Ba Lan trên các diễn đàn đa phương", và rằng việc "gửi khiếu nại lên tòa án quốc tế không phải là phương pháp thích hợp để giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia".

Trên thực tế, Ba Lan là tuyến đường quan trọng để các đồng minh ở Mỹ và châu Âu vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Ba Lan cũng là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, khi cung cấp hơn 3 tỷ euro viện trợ quân sự cho Kiev từ khi xung đột nổ ra. Các viện trợ này bao gồm đạn dược, xe bọc thép, vũ khí hạng nặng cũng như máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất. Nước này đồng thời tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine, bảo vệ Kiev trên các diễn đàn quốc tế, biến lãnh thổ Ba Lan thành nơi tập kết vũ khí phương Tây đến tiền tuyến. Vì thế, Ba Lan cho rằng động thái mới nhất của Ukraine không hề phù hợp trong bối cảnh hiện nay nếu suy xét kỹ về quan hệ song phương, theo New York Post. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky hôm 21/9 nhận định, Ukraine đang bắt đầu mất đi đồng minh ở phương Tây - những quốc gia hỗ trợ chính cho Kiev.

Nhận định này phần nào chính xác, bởi trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki nhấn mạnh: "Tôi đang cảnh báo chính quyền Ukraine. Bởi vì nếu họ leo thang căng thẳng như vậy, chúng tôi sẽ bổ sung thêm các sản phẩm vào lệnh cấm nhập khẩu vào Ba Lan. Chính quyền Ukraine không hiểu mức độ bất ổn của ngành Nông nghiệp Ba Lan. Chúng tôi đang bảo vệ nông dân Ba Lan". Nhấn mạnh rằng Ba Lan là những người đầu tiên làm được nhiều điều cho Ukraine, ông Marawiecki mong Ukraine hiểu được vấn đề của Ba Lan, và rằng "đối với chúng tôi, lợi ích của người nông dân là điều quan trọng nhất".

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top