Cuộc khủng hoảng y tế ở Gaza gần như không thể cải thiện

16:53 - Thứ Hai, 11/12/2023 Lượt xem: 4501 In bài viết

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sẽ không thể cải thiện tình hình y tế “thảm khốc” ở Gaza ngay cả khi Ban điều hành của WHO đã thông qua đề nghị khẩn cấp để bảo đảm nhiều quyền tiếp cận y tế hơn, Reuters đưa tin.

Những người Palestine tại một trại tị nạn ở Rafah, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở phía Nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Các quan chức Palestine cũng mô tả tình hình y tế tồi tệ ở Gaza, nơi cuộc tấn công của Israel khiến phần lớn dân số trở thành vô gia cư, thiếu điện, thực phẩm hoặc nước sạch và hệ thống y tế đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 8-12 từ chối yêu cầu ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, 34 quốc gia trong Ban điều hành của WHO đã đồng thuận thông qua một nghị quyết kêu gọi “chuyển hàng cứu trợ nhân đạo ngay lập tức, bền vững và không bị cản trở” vào Gaza.

Nghị quyết do Afghanistan, Maroc, Qatar và Yemen đề xuất, nhằm tìm cách đưa nhân viên và vật tư y tế vào Gaza, yêu cầu WHO ghi lại hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế và bệnh nhân cũng như đảm bảo tài trợ để xây dựng lại bệnh viện. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Tôi phải thành thật với các bạn, những nhiệm vụ này gần như không thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện tại”.

Ông Tedros nói với Ban điều hành gồm 34 thành viên ở Geneva (Thụy Sĩ) rằng, nhu cầu y tế ở Gaza đã tăng cao và nguy cơ mắc bệnh tăng lên, tuy nhiên, hệ thống y tế đã giảm xuống còn 1/3 công suất trước xung đột.

Tiến sĩ Mustafa Barghouti, một chính trị gia Palestine, người đứng đầu Liên minh Ủy ban cứu trợ y tế Palestine với 25 đội làm việc tại Gaza, cho biết, "một nửa Gaza hiện đang chết đói". Ông đưa ra con số thống kê gồm 350.000 người bị nhiễm trùng trong đó có 115.000 người bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng và thiếu quần áo ấm, nhiều người đang bị đau bụng vì có ít nước sạch và không đủ nhiên liệu để đun sôi, có nguy cơ bùng phát bệnh kiết lỵ, thương hàn và dịch tả.

Các bệnh viện ở Gaza đã bị bắn phá và một số đã bị bao vây hoặc đột kích như một phần trong phản ứng của Israel trước cuộc tấn công hôm 7-10 của Hamas. Cơ sở dữ liệu của WHO cho thấy, đã có 449 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các vùng lãnh thổ của Palestine kể từ ngày 7-10 mà không quy trách nhiệm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top