COP28 đạt thỏa thuận quan trọng về giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

16:40 - Thứ Tư, 13/12/2023 Lượt xem: 4095 In bài viết

Đại diện của gần 200 nước tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ngày 13/12 đã đạt thỏa thuận bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

 

Các quan chức COP28 sau khi đạt được thỏa thuận. Ảnh minh họa Getty Images. 

Thỏa thuận đạt được ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, sau hai tuần đàm phán cam go nhằm gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới thống nhất mong muốn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, điều mà các nhà khoa học cho là hy vọng tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn thoát khỏi thảm họa khí hậu.

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là “dấu ấn lịch sử” nhưng nói thêm rằng thành công thực sự đạt được khi thỏa thuận được thực hiện.

“Chúng ta phải thực hiện chứ không chỉ nói miệng. Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để biến thỏa thuận này thành hành động hữu hình”, Chủ tịch COP28 nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên thế giới đoàn kết về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”.

Hơn 100 quốc gia đã vận động để thỏa thuận COP28 đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm loại bỏ việc sử dụng dầu, khí đốt và than đá, nhưng vấp phải sự phản đối từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ dầu mỏ OPEC, vốn cho rằng thế giới có thể cắt giảm lượng khí thải mà không loại bỏ các loại nhiên liệu cụ thể.

Các thành viên OPEC kiểm soát gần 80% trữ lượng dầu của thế giới cùng với khoảng 1/3 sản lượng dầu hàng ngày trên toàn cầu và chính phủ của những nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu đó.

Trong khi đó, các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu lại nằm trong số những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất dầu khí khổng lồ như Mỹ, Canada và Na Uy, cùng với khối EU.

Thỏa thuận đặc biệt kêu gọi “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý... để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, tăng tốc nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử cacbon.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top