Hệ thống y tế đang bị tàn phá ở Gaza

16:49 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 4620 In bài viết

Ngày 24/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại hệ thống y tế của Gaza đang bị tàn phá, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn tại dải đất ven Địa Trung Hải này.

 

Các nhân viên y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cứu chữa cho các bệnh nhân ở Gaza. (Ảnh: ahram) 

Trong thông điệp trên mạng xã hội X, người đứng đầu WHO trăn trở: “Sự tàn phá của hệ thống y tế Gaza là một thảm kịch… Chúng tôi kêu gọi áp đặt một lệnh ngừng bắn ngay lập tức”.

Bên cạnh đó, Ghebreyesus cũng bày tỏ cảm kích khi mà nhân viên y tế của Gaza vẫn tiếp tục công việc trong hoàn cảnh ngày càng thảm khốc. Theo ông Ghebreyesus, các bác sỹ, y tá, tài xế xe cứu thương và nhiều lực lượng khác ở Gaza đang phải nỗ lực để cứu lấy mạng sống con người giữa một làn sóng an ninh bất ổn và sự gia tăng số lượng các bệnh nhân cần hỗ trợ y tế.

Trong thời gian trở lại đây, cơ quan y tế Liên hợp quốc đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình y tế đi xuống nghiêm trọng kể từ khi cuộc chiến đẫm máu nhất ở Gaza nổ ra.

Theo số liệu thống kê từ hãng thông tấn Pháp AFP, các cuộc tấn công của phong trào Hamas trong nhiều tháng qua đã khiến 1.140 người Israel thiệt mạng, khoảng 250 người bị bắt giữ - với 129 người trong số đó hiện vẫn bị giam giữ ở Gaza.

Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine cho biết, chiến dịch quân sự, gồm cả các cuộc oanh tạc quy mô lớn của Israel đã khiến ít nhất 20.424 người Palestine thiệt mạng, 70% trong số đó là phụ nữ và trẻ em, cùng 54.036 người bị thương.

Xung đột bước sang tháng thứ 3 liên tiếp cũng khiến nhiều khu vực rộng lớn của Gaza bị vùi trong đống đổ nát, khoảng 2,4 triệu người dân nơi đây đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng do cuộc bao vây của Israel. Tình trạng thiếu thốn này chỉ được cải thiện phần nào nhờ vào sự tiếp cận hạn chế của hàng viện trợ.

Trong số 36 bệnh viện ban đầu của Gaza, hiện chỉ còn 9 bệnh viện duy trì hoạt động một phần. Tất cả các bệnh viện này đều ở phía Nam và đang trong tình trạng quá tải.

Người dân tìm kiếm người bị mắc kẹt trong những đống đổ nát sau vụ không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Sau chuyến thị sát hồi tuần trước tới hai bệnh viện bị hư hại nặng ở phía Bắc dải Gaza là Al-Shifa và Al-Ahli, các nhân viên của WHO đã mô tả cảnh tượng “không thể chịu đựng nổi” khi phần lớn bệnh nhân bị bỏ rơi, bao gồm cả trẻ nhỏ, phải cầm cự để sống sót bằng việc xin thức ăn và nước uống.

Trong bối cảnh trên, WHO cảnh báo rằng ngay cả khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao ở Gaza thì cũng chỉ có 38% số giường bệnh trước xung đột còn trống trên lãnh thổ Palestine và 30% nhân viên y tế ban đầu vẫn còn làm việc. Tuy nhiên, các bệnh viện ở Gaza – vốn được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế, cũng đã nhiều lần hứng chịu các cuộc tấn công của Israel kể từ khi nổ ra xung đột.

Tính đến ngày 20/12, WHO đã ghi nhận 246 vụ tấn công vào cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Gaza, bao gồm cả bệnh viện và xe cứu thương, khiến 582 người chết và 748 người bị thương.

Trong khi đó, đài truyền hình Palestine do nhà nước điều hành đưa tin ít nhất 70 người Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn al-Maghazi ở miền trung Dải Gaza, ngày 24/12. Theo các nguồn tin địa phương, hầu hết những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em, và hiện tại các bệnh viện địa phương rất khó tiếp nhận thêm người bị thương.

Ông Ashraf Al-Qedra - phát ngôn viên của Bộ Y tế có trụ sở tại Gaza, cho biết số người chết có thể sẽ tăng lên khi cuộc không kích tấn công một khu dân cư đông đúc. Ông nói thêm rằng lực lượng Israel đang ném bom các con đường chính giữa các trại ở khu vực miền Trung, cản trở xe cứu thương và xe dân sự tiếp cận các địa điểm mục tiêu./.

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top