Biến đổi khí hậu tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thế hệ trẻ - những người đóng góp ít nhất vào lượng khí thải toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, bà Rachel Harvey, cố vấn bảo vệ trẻ em của cơ quan Liên hợp quốc tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết, các thảm họa liên quan đến thời tiết có thể làm trầm trọng thêm hoặc khiến trẻ em gặp phải những rủi ro nghiêm trọng, như bị bóc lột, buôn bán và bạo lực.
Những rủi ro này xuất hiện khi trẻ em bị tách khỏi gia đình và người chăm sóc vì phải di dời trong các trường hợp khẩn cấp. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự báo, khoảng 96 triệu người trên toàn cầu phải di dời do lũ sông có thể xảy ra trong 30 năm tới. Cũng trong khoảng thời gian này, các cơn bão có thể khiến hơn 10,3 triệu trẻ em phải di dời.
Trẻ em ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines… có nguy cơ phải di dời cao nhất do các mối nguy hiểm kết hợp, bao gồm lũ sông, lốc xoáy và nước dâng do bão. Đáng chú ý, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng sẽ kéo theo việc trẻ em cũng bị tăng nguy cơ bị bóc lột, buôn bán, lạm dụng và bạo lực, kể cả các tập tục có hại như tảo hôn sẽ gia tăng sau thảm họa…
Trong khi đó, những nguy cơ này thường không được đề cao trong chương trình nghị sự thảo luận về tác động của khí hậu. Tuy một số quốc gia đã thực hiện các bước để quản lý rủi ro thiên tai, nhiều chính phủ ở châu Á vẫn lúng túng trong việc tăng cường nỗ lực ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu. Theo bà Harvey, phải có một hệ thống quản lý thông tin và dữ liệu, các dịch vụ trên mọi lĩnh vực tại các điểm nóng cần có khả năng phục hồi để tiếp cận và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất vào trước, trong và sau khi xảy ra thảm họa.
Cũng cần có các chiến lược đổi mới, phối hợp hành động giữa các thế hệ để đưa tiếng nói và nhu cầu của trẻ em lên hàng đầu nhằm giảm thiểu hậu quả từ thảm họa khí hậu.