Bỉ đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của EU: Lạc quan trước... thách thức

15:42 - Thứ Tư, 03/01/2024 Lượt xem: 3365 In bài viết

Với 6 vấn đề ưu tiên triển khai được đưa vào kế hoạch hành động 6 tháng tới, Bỉ bước vào nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) một cách đầy lạc quan, bất chấp rất nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2024.

Đây là lần thứ 13 Bỉ đảm nhiệm vị trí “ghế nóng” nên có nhiều kinh nghiệm để giải quyết khó khăn và dẫn dắt “ngôi nhà chung” EU đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (phải) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1-1-2024.

Ngoài các hoạt động mang tính lễ nghi được tổ chức vào ngày 5-1-2024 tới để chào mừng Bỉ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU như cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố logo tượng trưng cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Bỉ, lễ kích hoạt nhiệm kỳ Chủ tịch EU…, Thủ tướng nước này Alexander De Croo đã công bố một chương trình hành động đầy tham vọng. Theo đó, 6 ưu tiên được nêu bật gồm: Thúc đẩy nhà nước pháp quyền và dân chủ; tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế; theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh; củng cố chương trình nghị sự xã hội; bảo vệ biên giới và con người; thúc đẩy một châu Âu toàn cầu. Những ưu tiên này sẽ được thực hiện song song với các chính sách liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, Dải Gaza.

Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, Thủ tướng Alexander De Croo cho rằng, EU sẽ không sao nhãng những cam kết ủng hộ đã dành cho Ukraine, đồng thời hạ thấp khả năng Hungary sẽ phủ quyết các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine.

Hiện tại, chưa rõ người đứng đầu Chính phủ Bỉ sẽ tiến hành biện pháp nào để gỡ thế bế tắc trong vấn đề Ukraine khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho tới thời điểm này vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn. Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU giữa tháng 12-2023, một vấn đề gai góc khác đã không thể được thông qua liên quan đến quyết định cải tổ ngân sách EU để chuyển 50 tỷ euro viện trợ cho Ukraine vì thiếu sự đồng ý của Hungary. Chủ đề này sẽ được xem xét lại vào hội nghị của khối, dự kiến diễn ra vào ngày 1-2 tới.

Nếu Bỉ đưa ra phương sách đạt được sự đồng thuận Hungary, đây sẽ là một dấu ấn không nhỏ trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của nước này. Theo Thủ tướng Alexander De Croo: "Sự đoàn kết có tầm quan trọng đặc biệt để quyết định thành công chung của EU trong nhiều thách thức phía trước".

Một thách thức khác đối với Thủ tướng Alexander De Croo là nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Bỉ trùng với thời điểm Nghị viện cũng như Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan quyền lực cao nhất của EU, kết thúc nhiệm kỳ 2019-2024 và phải tiến hành bầu cử nhiệm kỳ mới vào tháng 6-2024. Trong khi đó, còn khoảng 150 hồ sơ cần hoàn thiện, bao gồm hơn 100 dự án lập pháp có hạn vào cuối tháng 4 với nội dung được đánh giá vô cùng khó khăn như cải cách chính sách tị nạn và điều chỉnh luật liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Bỉ cũng phải nỗ lực để thông qua chương trình chiến lược 2024-2029, cũng như chuẩn bị cho các cuộc tranh luận về cải cách EU nhằm thích ứng với việc mở rộng khối. Thời gian không còn nhiều và bất kỳ hồ sơ nào không được hoàn thành sẽ phải chuyển sang cho Chủ tịch luân phiên EU tiếp theo và Nghị viện mới.

Về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Alexander De Croo đặt khả năng cạnh tranh kinh tế làm trọng tâm hàng đầu gắn liền với quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời thúc đẩy sản lượng công nghiệp ở châu Âu. Để triển khai nội dung này, nhà lãnh đạo Bỉ đã xây dựng một kế hoạch cải cách thị trường nội địa và tạm dừng tất cả các chính sách môi trường phi khí hậu. Ông cũng mong muốn ngành công nghiệp chuyển đổi xanh, giúp tạo ra sự thịnh vượng và tạo việc làm cho Cựu lục địa.

Tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế châu Âu trong năm 2024 được đánh giá khá ảm đạm do tác động tiêu cực từ tình trạng bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, dù tiền lương có thể sẽ tăng nhanh hơn lạm phát lần đầu tiên trong 3 năm. Châu Âu vẫn có khả năng đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong năm tới, cho dù khu vực bước qua mùa đông với một kho dự trữ khí đốt gần như đầy và giá dầu đã giảm mạnh sau đợt tăng vọt ở thời điểm bùng nổ xung đột Israel - Hamas.

Nhìn chung, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và bất ổn ngày càng gia tăng, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Bỉ sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức. Nhưng đây cũng là cơ hội để khẳng định vị thế cũng như tiếng nói của Bỉ trong liên minh có lịch sử hơn 7 thập kỷ hình thành và phát triển này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top