Tàu dò mìn Anh tài trợ Ukraine không được đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ

15:44 - Thứ Tư, 03/01/2024 Lượt xem: 2918 In bài viết

Reuters dẫn nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara sẽ không cho phép hai tàu dò mìn mà nước Anh tài trợ Ukraine đi qua vùng biển của nước này trên đường tới Biển Đen, vì động thái này được cho là vi phạm hiệp ước quốc tế liên quan đến việc tàu chiến đi qua eo biển trong khi xung đột.

 

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn hai tàu dò mìn của Anh đến Ukraine . Ảnh: PA

Tháng 12-2023, Anh tuyên bố sẽ chuyển hai tàu dò mìn của Hải quân Hoàng gia cho lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) nhằm tăng cường các hoạt động trên biển của Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps cho biết:“Những tàu dò mìn này sẽ cung cấp năng lực quan trọng cho Ukraine, giúp cứu sống nhiều người trên biển và mở ra các tuyến xuất khẩu vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Nga. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu cho nỗ lực mới của Anh, Na Uy và các đồng minh nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Ukraine trong thời gian dài, nâng cao khả năng hoạt động để bảo vệ vùng biển có chủ quyền và tăng cường an ninh ở Biển Đen”.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã thông báo cho các đồng minh rằng Ankara sẽ không cho phép các tàu chiến sử dụng eo biển Bosphorus và Dardanelles chừng nào cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 - 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux 1936, ngăn chặn hiệu quả việc lưu thông tàu quân sự của các bên tham chiến. Hiệp ước cho phép các tàu trở về căn cứ ở quê hương họ, nhưng cả Nga và Ukraine đều không có ý định đưa tàu chiến đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ tới Biển Đen kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Theo Công ước Montreux, tàu chiến của các bên không tham chiến có thể đi qua eo biển trong thời gian chiến tranh. Nhưng công ước cũng cho phép Ankara có tiếng nói cuối cùng trong việc di chuyển của tất cả các tàu chiến, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.

Ankara vào thời điểm đó cũng cảnh báo các quốc gia không thuộc Biển Đen không đưa tàu chiến đi qua eo biển. Eo biển này là tuyến đường biển duy nhất dẫn tới Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã triển khai Công ước Montreux một cách khách quan để ngăn chặn leo thang ở Biển Đen, đồng thời nêu rõ Ankara muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Kiev và Mátxcơva trong bối cảnh chiến tranh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top