Xung đột lan rộng ở biên giới Israel-Lebanon

15:40 - Thứ Ba, 09/01/2024 Lượt xem: 3227 In bài viết

Các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và nhóm dân quân Hezbollah có dấu hiệu leo thang đáng kể dọc biên giới Israel-Lebanon, dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc xung đột nghiêm trọng mới tại khu vực Trung Đông.

New York Times ngày 8/1 dẫn tuyên bố của chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo họ đã vừa tấn công một loạt mục tiêu của nhóm dân quân Hezbollah ở phía Nam Lebanon và loại khỏi vòng chiến đấu ít nhất 7 thành viên của nhóm, nhằm đáp trả việc Hezbollah bắn phá một căn cứ quân sự của Israel ở khu vực Meron gần biên giới cách đây hai hôm.

Theo ghi nhận của truyền thông khu vực, máy bay chiến đấu Israel đã nã tên lửa về hướng các cứ điểm của Hezbollah ở khu vực Aita al-Sha'ab, Yaron và Ramya trên lãnh thổ Lebanon. Hezbollah chưa công bố thiệt hại sau cuộc tấn công của Israel, nhưng xác nhận đã nã 62 quả rocket để phá hủy một trạm radar của quân đội Israel, được Tel Aviv sử dụng “để giám sát không lưu” và “kiểm soát hàng không”. Nhóm dân quân thân Iran nhấn mạnh, cuộc tấn công nêu trên chỉ là “bước đầu tiên” trả đũa cho cáo buộc Israel không kích khiến phó lãnh đạo cánh chính trị của Hamas Saleh al-Arouri thiệt mạng hồi tuần trước ở thủ đô Beirut.

Khói bốc lên dày đặc sau một cuộc không kích ở biên giới Lebanon. Ảnh: Getty Images.

Đây là đợt giao tranh có quy mô đáng kể nhất giữa Israel và lực lượng Hezbollah trong nhiều tuần, dấy lên lo ngại tình hình vượt tầm kiểm soát thành xung đột quy mô lớn, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn hơn nữa. Hezbollah ủng hộ Hamas mạnh mẽ và đã chiến đấu với IDF dọc biên giới Lebanon từ khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra tháng 10/2023 với số lượng hỏa lực được sử dụng thấp hơn.

SkyNews nhận định, Hezbollah chưa có ý định tiến vào một cuộc xung đột toàn diện với Israel và sự cố ông al-Arouri, một vị khách quan trọng của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, bị hạ sát ở khu vực do Hezbollah kiểm soát an ninh, buộc nhóm thay đổi cách tiếp cận.

Tờ Washington Post dẫn lời chuyên gia Bilal Saab tại Viện Trung Đông, một tổ chức nghiên cứu đặt trụ sở ở Washington, cảnh báo, nếu xung đột Israel-Hezbollah nổ ra, “số thương vong ở Lebanon có thể từ 300.000 đến 500.000 người và kéo theo một cuộc sơ tán quy mô lớn toàn bộ miền Bắc Israel”.

Trước áp lực từ Hezbollah, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 6/1 tuyên bố nước này muốn giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao, nhưng không loại trừ khả năng tiến hành chiến dịch quân sự ở Lebanon nếu tình hình xấu đi. “Chúng ta đang tiến gần đến thời điểm mà chiếc đồng hồ cát sẽ lật ngược”, ông Gallant ví von.

Căng thẳng Hezbollah-Israel bùng lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du đến một loạt quốc gia Trung Đông nhằm ngăn nguy cơ nổ ra thêm các điểm nóng xung đột mới. Cách biên giới Lebanon không xa, lực lượng Houthi tại Yemen có những động thái trên Biển Đỏ để gây sức ép với Israel nhằm ủng hộ người Hamas. Tại Bờ Tây, bạo lực lan rộng khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với binh lính và người định cư Israel trong những tuần qua. Lực lượng an ninh Israel cũng đã thực hiện hàng nghìn vụ bắt giữ người Palestine.

Trong 2 ngày cuối tuần, ông Blinken liên tục gặp gỡ lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Qatar, trước khi lên đường đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi. Phát biểu tại các cuộc gặp, ông Blinken hối thúc các nước có liên quan tìm cách kiềm chế, tránh xung đột lan rộng, thông qua các mối liên hệ, sử dụng tầm ảnh hưởng và các mối quan hệ với các bên căng thẳng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng muốn huy động các đồng minh ngăn chặn lực lượng Houthi ở Yemen tiến hành các cuộc tấn công trên Biển Đỏ nhằm vào tàu bè hướng đến hoặc có giao dịch liên quan đến Israel.

“Đây là thời điểm căng thẳng sâu sắc trong khu vực. Đây là một cuộc xung đột có thể dễ dàng di căn, gây ra nhiều bất an hơn và thậm chí nhiều đau khổ hơn”, ông Blinken ngày 7/1 phát biểu trong cuộc họp báo ở Doha cùng Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Jordan tin rằng, Washington cần đóng vai trò quan trọng trong việc hối thúc Israel tham gia thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và cảnh báo những hậu quả kinh hoàng nếu cuộc xung đột Hamas-Israel tiếp diễn.

Theo đánh giá của giới quan sát, bên cạnh các giải pháp cấp thiết ngăn xung đột lan rộng, ông Blinken sẽ tận dụng cơ hội để vận động các cường quốc khu vực đóng góp tích cực hơn cho tiến trình tái thiết và quản trị an ninh Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc, coi đây là giải pháp hiệu quả nhất ngăn nguy cơ xung đột nổ ra một lần nữa.

CNN cho biết, Israel và Bờ Tây sẽ là hai điểm đến kế tiếp trong chuyến công du của ông Blinken, nơi phái đoàn Mỹ có thể tổng hợp thông điệp từ các nhà lãnh đạo ở khu vực để gửi đến Tel Aviv và Chính quyền Palestine, từ đó thu hẹp khác biệt nhằm tìm được giải pháp mà các bên cùng có thể chấp nhận. Ông Blinken cũng sẽ có mặt ở Ai Cập trong nỗ lực hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nhân đạo của người Palestine trên khắp Dải Gaza.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top