Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở Gaza

15:33 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 2997 In bài viết

Dải Gaza tiếp tục hứng chịu các cuộc ném bom dữ dội, dẫn đến thương vong đáng kể và phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng.

Người dân bị thương điều trị tại Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza. (Ảnh: WHO)

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ngày 10/1, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng của các đối tác nhân đạo về việc hạn chế tiếp cận, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc Wadi Gaza.

Theo phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, các đối tác nhân đạo đang ngày càng quan ngại về khả năng sụp đổ của các dịch vụ y tế ở Deir al Balah và Khan Younis… Sự thù địch ngày càng gia tăng ở những khu vực này đang gây ra sự gia tăng thương vong, mất an ninh và những rào cản đáng kể trong việc cung cấp viện trợ.

“Tình hình đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực y tế. Tính đến ngày 9/1, các bệnh viện chỉ đáp ứng được 1/5 trong số 5.000 giường cần thiết để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu ở Gaza” – ông Dujarric nói.

Bên cạnh đó, hơn 3/4 trong tổng số 77 trung tâm y tế ban đầu không còn hoạt động, khiến nhiều nơi không có các dịch vụ y tế cơ bản.

Cuộc khủng hoảng ở Gaza cũng đang tác động đến những người mắc bệnh mãn tính và sức khỏe tâm thần. Theo số liệu thống kê từ ông Dujarric, hiện có khoảng 350.000 người mắc bệnh mãn tính và khoảng 485.000 người bị rối loạn sức khỏe tâm thần đang bị gián đoạn điều trị ở Gaza.

 Trẻ em chờ đợi để được phân phát thức ăn ở Rafah, phía Nam Dải Gaza. (Ảnh: UNICEF)

Cuộc xung đột tiếp diễn 3 tháng qua giữa Israel và phong trào Hamas đã khiến khoảng 1,9 triệu người Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do điều kiện sống kém, tình trạng quá tải ở các nơi tạm trú và bị hạn chế khả năng tiếp cận với nước, các cơ sở vệ sinh.

Trước thực tế trên, ông Dujarric tiếp tục nhấn mạnh đến nỗ lực của các đối tác nhân đạo nhằm mở rộng quy mô dịch vụ vệ sinh ở Rafah và Khan Younis. Tuy nhiên, các tổ chức hỗ trợ nhân đạo tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn trong hoạt động, bao gồm tình trạng thiếu nguyên liệu và khó khăn về hậu cần.

Điều kiện khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho người dân ở Gaza. Theo ông Dujarric, sự kết hợp giữa công đoạn vận chuyển nước, nguồn nước khử muối và khôi phục một trong ba tuyến cấp nước chính chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu nước ở Gaza so với nguồn cung trước thời điểm bùng phát xung đột ngày 7/10/2023.

Ngày 10/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ nỗi “kinh hoàng” trước các báo cáo từ Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine về một cuộc tấn công của Israel nhằm vào một trong những xe cứu thương của họ đã giết chết 4 nhân viên y tế và 2 bệnh nhân. Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực cũng như các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và dân thường ở Gaza./.

Theo Dangcongsan
Bình luận
Back To Top