Bỏ truyền thống vì hội nhập

09:06 - Thứ Sáu, 12/01/2024 Lượt xem: 4633 In bài viết

Đạo luật về cấm bán thịt chó đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua, nhưng đến năm 2027 mới có hiệu lực. Dù vậy, ngay từ bây giờ nó đã có tác động rất mạnh mẽ về chính trị đối nội, xã hội và văn hóa cũng như đối ngoại đối với Hàn Quốc.

Nhân viên cứu hộ giải cứu chó từ một trang trại thịt chó ở Wonju (Hàn Quốc).

Cấm bán thịt chó thì sẽ chẳng ai nuôi chó để bán nữa và các cửa hàng thịt chó không thể tồn tại nên thực chất là cấm ăn thịt chó. Mà ăn thịt chó vốn là một trong những truyền thống ở Hàn Quốc, một phần văn hóa của Hàn Quốc. Quốc hội ban hành đạo luật cấm đồng nghĩa với việc bỏ truyền thống đặc biệt này.

Nếu không có tiến trình toàn cầu hóa trên thế giới và nếu các quốc gia không có nhu cầu cấp thiết về hội nhập và hợp tác quốc tế thì chắc chắn việc cấm bán thịt chó sẽ không cần phải đặt ra cho Hàn Quốc như hiện tại, cho dù trong tương lai xa có thể khác. Đạo luật nói trên là kết quả của quá trình bàn luận rất dài ở Hàn Quốc về bán và ăn thịt chó. Nó khiến cho xã hội và chính trường tranh cãi nhau kịch liệt và bị phân rẽ sâu sắc. Cũng dễ hiểu thôi, vì thay đổi truyền thống đâu có phải là chuyện đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng khả thi ở mọi nơi trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng ở Hàn Quốc.

Có nhiều nguyên nhân của việc Hàn Quốc từ bỏ truyền thống lâu đời này. Trước hết, phải đề cập đến sự thay đổi cách nhìn nhận và cảm nhận của con người nói chung trên trái đất theo thời gian về vật nuôi, đặc biệt về những con vật gắn bó thân thiết với cuộc sống thường nhật của con người, ngoài chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm đơn thuần. Chó thuộc diện đặc biệt ấy. Nó dần trở thành thú cưng trong gia đình và người bạn đồng hành trong cuộc sống. Việc ăn thịt chó vì thế đã từ lâu có xu hướng giảm mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, cho dù không bị pháp luật ở những nơi ấy cấm đoán. Các nơi đều không ở trong tình trạng bị khan hiếm thực phẩm đến mức độ phải nuôi chó để lấy thịt làm thực phẩm chính.

Tiếp đến là sự thúc ép từ bỏ việc ăn thịt chó vì nhu cầu hội nhập quốc tế. Hàn Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới bị dư luận quốc tế phê phán nặng nề suốt thời gian dài về tập quán ăn thịt chó. Thậm chí, trên thế giới còn có cuộc vận động tẩy chay Thế vận hội mùa hè 1988 ở Seoul và Giải thi đấu vô địch bóng đá thế giới năm 2002 để thúc ép Chính phủ Hàn Quốc cấm ăn thịt chó.

Ngành Du lịch của Hàn Quốc cũng bị vạ lây bởi nhiều du khách không muốn đến những nơi có tình trạng ăn thịt chó. Mặt khác, cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật lệ mới và thực thi biện pháp chính sách mới nhằm mục đích hạn chế hoặc cấm bán và ăn thịt chó. Chiều hướng diễn biến này càng ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Hàn Quốc không thể bỏ qua điều ấy.

Ngày nay, Hàn Quốc giống như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới không thể không hội nhập quốc tế, không thể không tham gia toàn cầu hóa và mở cửa với thế giới bên ngoài. Hàn Quốc cần sự thân thiện và hợp tác của thế giới bên ngoài, do vậy cần phải tranh thủ thế giới bên ngoài, mà thế giới bên ngoài ở đây bao gồm các chính quyền các quốc gia và người dân.

Truyền thống bị tác động bởi sự chuyển biến của thế giới theo thời gian. Bởi thế nếu thay đổi truyền thống nào đấy mà có lợi cho đất nước trong thế giới hiện đại và phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến tạo tương lai thì rất đáng được làm và cần phải làm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top