Nga đang chuẩn bị một cuộc chiến pháp lý nhằm chống lại việc Mỹ tìm cách tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga và hối thúc các quốc gia cùng tham gia vào nỗ lực này...
Bloomberg mới đây dẫn một tài liệu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy một dự luật cho phép tịch thu tài sản đóng băng của Nga và dự kiến sử dụng số tiền này để tái thiết Ukraine. Washington cũng đang hối thúc các thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tìm hướng hợp thức hóa việc sử dụng khối tài sản này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Washington cũng đang tìm cách thúc ép Liên minh châu Âu (EU) tịch thu tài sản đóng băng của Nga. Bà Zakharova tuyên bố, Moscow sẽ đáp trả tương xứng nếu tài sản của Nga bị tịch thu. Theo bà, các nước phương Tây đang cố gắng tìm cách viện trợ cho Ukraine vì những khó khăn ngày càng tăng trong việc bảo đảm hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Washington. Ảnh minh họa: AP |
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, Mỹ và các nước phương Tây đã cấm các giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12-12-2023 đã phê duyệt đề xuất sử dụng khoản tiền thu được từ tài sản đóng băng của Nga nhằm giúp Ukraine phục hồi sau xung đột. Theo CNN, trong năm 2023, các quan chức hàng đầu của chính quyền Mỹ đã âm thầm tìm cách để chuyển hàng tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng sang Ukraine đang trong cơn khủng hoảng tài chính.
Mỹ đã đưa ra những đề xuất về cơ sở pháp lý mới nhằm cho phép tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển cho Ukraine, nhưng sẽ cần có sự tham gia từ các đồng minh của Mỹ trong Nhóm G7 để có tác động thực sự, bởi phần lớn tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị G7 và EU đóng băng đều do EU nắm giữ. Khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phong tỏa ở các nước G7, EU và Australia vào năm ngoái.
Đề xuất trên cũng sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua một dự luật đưa ra vào năm ngoái, được gọi là Đạo luật REPO, cho phép tổng thống có thẩm quyền tiến hành tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ. Dự luật quy định tổng thống có thể tịch thu bất kỳ tài sản thuộc chủ quyền nào của Nga ở Mỹ và việc tịch thu này sẽ không phải chịu sự xem xét tư pháp, nghĩa là chủ sở hữu của tài sản bị tịch thu tài sản không thể khởi kiện tại tòa án nếu thực tế bị như vậy.
Hiện Nhà Trắng đang tích cực thúc đẩy các cuộc thảo luận với Nhóm G7 về hợp thức hóa việc sử dụng khối tài sản bị đóng băng của Nga trước ngày 24-2 tới, tức tròn hai năm kể từ ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, một số đồng minh G7, trong đó có Đức, tỏ ra khá do dự trước đề xuất này của Washington. Bởi theo một quan chức châu Âu, do nắm giữ phần lớn tài sản bị tịch thu của Nga nên EU sẽ có nhiều thứ để mất hơn nếu nghe theo Washington. Nhằm trấn an đồng minh, Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc tịch thu tài sản sẽ được thực hiện dựa trên một cơ sở pháp lý rất cụ thể và không có nguy cơ gây hoảng sợ cho các tổ chức tài chính có tài sản được nắm giữ ở nước ngoài.
Đáp trả lại các động thái của Mỹ, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết việc G7 tịch thu tài sản của Nga là “bất hợp pháp” và sẽ tạo cho Moscow “cơ sở đạo đức và pháp lý” để trả đũa tài sản của G7, vốn “nhiều hơn số tiền bị đóng băng của Nga”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng động thái như vậy “vi phạm tất cả các quy tắc hiện có”, đồng thời lưu ý rằng những người quyết định tịch thu tài sản dự trữ của Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý và tư pháp “nghiêm trọng”.
Theo Bloomberg, Nga đang chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến pháp lý để ngăn chặn việc tịch thu các tài sản của nước này đã bị phương Tây đóng băng trước đó. Mặc dù các quan chức Nga tin rằng nguy cơ bị tịch thu tài sản là hoàn toàn thấp, Ngân hàng Trung ương Nga đang tiến hành một thỏa thuận nhằm duy trì các công ty luật quốc tế đại diện cho nước này trong trường hợp vụ việc kết thúc tại tòa án. Một báo cáo của Roscongress, một tổ chức phát triển của Nga, xuất bản vào tháng 12-2023, đã xem xét các trường hợp tài sản bị đóng băng khác, chẳng hạn như ở Triều Tiên và Iran, và nhận thấy rằng trong trường hợp của Nga, rủi ro bị tịch thu tài sản “vẫn ở mức thấp”. Moscow cũng cảnh báo đã lên sẵn danh sách các tài sản của phương Tây có thể tịch thu nếu G7 quyết định tịch thu 300 tỷ USD tài sản đóng băng của Nga.