Kinh tế Nga vẫn vững vàng trước “bão” trừng phạt

14:51 - Thứ Tư, 31/01/2024 Lượt xem: 4861 In bài viết

Việc Hội đồng châu Âu ngày 29/1 (giờ địa phương) tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng cho đến ngày 31/7/2024 đã nâng tổng số gói trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Moscow lên con số 12.

EU còn “dọa” rằng, chừng nào cuộc xung đột Nga-Ukraine còn tiếp diễn, họ sẽ vẫn duy trì tất cả các biện pháp hiện có và áp đặt các biện pháp bổ sung nếu cần thiết. Tuy nhiên, ngược lại với mọi dự báo của các chuyên gia phương Tây, nền kinh tế Nga không những không sụp đổ mà còn trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu vào cuối năm 2023.

GDP tăng trưởng vượt dự báo

Theo số liệu chính thức, chỉ riêng trong tháng 10/2023, GDP của Nga đã đạt mức tăng trưởng 5%, sau mức tăng trưởng 5,6% trong tháng trước đó, và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung trong cả năm là 3-3,5%, cao hơn dự báo chính thức 2,2% cho năm 2023. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy nhờ chi tiêu nhà nước kỷ lục 32 nghìn tỷ ruble (346 tỷ USD), phần lớn trong số đó dành cho quốc phòng. Sản lượng công nghiệp tăng 3,6%; sản xuất tăng trưởng ở mức 7,5% và sản xuất liên quan đến quân sự tăng trưởng ở mức hai con số.

Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp ôtô trong một nhà máy ở Moscow, Nga. Ảnh: Getty Images

Năm 2024, chi tiêu dự báo sẽ tiếp tục tăng, dự kiến là 36,5 nghìn tỷ ruble (395 tỷ USD), hơn một phần ba trong số đó sẽ dành cho lĩnh vực quốc phòng và các khoản thanh toán thời chiến khác nhau. Việc đặt nền kinh tế trong tình trạng chiến tranh đã khiến sản xuất công nghiệp và chỉ số PMI (chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ) tăng vọt.

Lĩnh vực sản xuất, được đánh dấu bằng mức tăng trưởng mạnh mẽ 9,5% trong tháng 10 năm ngoái, tiếp tục được thúc đẩy bởi “hoạt động quân sự đặc biệt”, góp phần mở rộng các ngành công nghiệp như kỹ thuật, hóa học và luyện kim. Hoạt động đầu tư trong quý III/2023 cũng tăng vượt kỳ vọng, do xung đột thúc đẩy, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 13,3%. Tỷ lệ thất nghiệp của Nga thấp nhất mọi thời đại, ở mức 2,9% và tỷ lệ người Nga sống dưới mức nghèo khổ giảm xuống còn 9,8%.

Ngoài ra, tình hình bên ngoài nhanh chóng được cải thiện khi Điện Kremlin triển khai các biện pháp để tránh tác động từ các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine, đặc biệt lệnh trừng phạt dầu mỏ và công nghệ gần như đã thất bại. Các biện pháp trừng phạt giới hạn giá dầu được áp dụng vào khoảng đầu năm 2023 cũng đã thất bại. Và trên mặt trận chính trị và ngoại giao, Điện Kremlin đã đạt được tiến bộ tốt trong việc xây dựng sự ủng hộ trong thế giới không liên kết, như đã được thể hiện trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 và BRICS vào tháng 8/2023.

Tuy nhiên, với GDP tăng trưởng vượt dự báo 2,2%, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvia Nabiullina lo rằng, nền kinh tế nước này đang “quá nóng”. Ví nền kinh tế Nga như một chiếc ôtô chạy quá nhanh, bà cảnh báo: “Nó có thể tiến về phía trước, thậm chí có thể nhanh, nhưng không được lâu”.

CBR dự báo lạm phát năm 2023 ở Nga sẽ dao động quanh mức 7,5%, nhưng trong bốn tháng cuối năm 2023, lạm phát cơ bản đã tăng hơn 10% tính theo năm, trong đó Thống đốc CBR lấy lĩnh vực dịch vụ làm ví dụ, khi lạm phát tăng vọt 14% trong ba tháng tính đến tháng 12. Trong khi đó, bà Alexandra Prokopenko, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu và Quốc tế, nhận định rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế Nga: “Những chỉ số tích cực năm 2023 không phải là dấu hiệu cho thấy sức khỏe kinh tế mà là triệu chứng của một nền kinh tế quá nóng”.

EU lo lắng

Giới chuyên gia cho rằng, thay vì đặt trọng tâm vào Nga, EU nên “tự lo” cho mình trước khi họ đang phải đối mặt với một năm đầy lo lắng trong bối cảnh diễn ra các cuộc bầu cử - cả ở chính châu Âu và ở Mỹ. Ở “Lục địa già”, có vẻ như cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến diễn ra vào tháng 6 sẽ không bị áp đảo bởi chủ nghĩa dân túy. Nhưng việc các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy, vị thế của phe trung hữu có thể sẽ giảm thêm so với cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019.

Bên cạnh đó, các chính phủ mới được thành lập và chưa ổn định ở các quốc gia thành viên lớn như Tây Ban Nha và Ba Lan hầu như sẽ có xu hướng giải quyết vấn đề chia rẽ nội bộ ở trong nước của họ. Những thực tế chính trị này sẽ khiến các nước thành viên gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết hàng loạt thách thức mà EU sẽ phải đối mặt trong năm nay.

Thách thức lớn nhất phía trước chắc chắn sẽ là phản ứng của EU trước khả năng quay trở lại nắm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Chiến thắng của vị tỉ phú này sẽ khơi lại căng thẳng xuyên Đại Tây Dương, cản trở đáng kể sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine và cũng làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại. Vấn đề lớn nhất là việc ông Donald Trump có thể thúc đẩy Mỹ rút khỏi NATO, cũng như trật tự chính trị và an ninh châu Âu, do đó sẽ tạo thành một “cơn ác mộng” hiện hữu.

Tiếp đó, việc nền kinh tế EU được dự đoán sẽ gặp khó khăn trong 2024 đang tạo thêm áp lực cho Brussels trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của châu lục này. Hơn nữa, khi các nền kinh tế lớn chạy đua để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp xanh và kỹ thuật số, EU có nguy cơ tụt lại phía sau Trung Quốc và Mỹ. Điều này sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn do thực tế là EU vẫn thiếu lập trường quyết đoán về Trung Quốc.

Việc đoàn kết EU liên quan đến ủng hộ Ukraine và chống lại Nga có thể trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây - làm suy yếu sức mạnh của Kiev khi cuộc chiến tiếp tục bế tắc. Đặc biệt, nỗ lực mở rộng của EU đối với Ukraine, vốn đang gặp phải những trở ngại chính trị, sẽ càng khó khăn hơn khi ý nghĩa thực sự của việc gia nhập đối với EU trở nên rõ ràng hơn - và khi những kỳ vọng về cải cách ở Kiev ngày càng tăng.

Chưa hết, di cư cũng có thể trở thành một vấn đề gây bất ổn, đặc biệt là do những cải cách chưa triệt để của EU đối với hệ thống phân bổ tị nạn. Dòng người di cư không suy giảm sẽ ngày càng thách thức sự đoàn kết, gắn kết và an ninh biên giới của EU. Việc tìm cách ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp bằng biện pháp thu hút hợp tác từ những nước ở ngoại vi châu Âu, như EU đã làm trong quá khứ, sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Ngay cả câu hỏi ai sẽ lãnh đạo các thể chế ở Brussels cũng có thể gây tranh cãi hơn, nhất là khi Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào nửa cuối năm nay.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top