Triển vọng kinh tế toàn cầu: Nhiều cơ hội bứt phá

07:28 - Thứ Năm, 01/02/2024 Lượt xem: 5207 In bài viết

Sau tháng đầu tiên của năm mới tiếp tục đà phục hồi với lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định, bức tranh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ bớt ảm đạm, thậm chí có thể kỳ vọng về những bứt phá ngay trong năm 2024.

Sự khởi sắc của các nền kinh tế lớn khiến giới chuyên môn lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Trái với những dự báo kém khả quan hồi đầu năm do lo ngại chi phí vay cao, nợ công tăng, đầu tư liên tục giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến tăng trưởng toàn cầu gặp rủi ro, giới chuyên gia tỏ ra lạc quan hơn trong những nhận định mới về xu hướng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2024. Những dự báo lạc quan chủ yếu dựa vào loạt tín hiệu tích cực xuất hiện trong tháng đầu năm.

Mới nhất, báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên mức 3,1% (cao hơn 2% so với dự báo cuối năm 2023). Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, năm 2024 có thể sẽ khép lại chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Sự lạc quan này đến từ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển giao năm mới. IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1%, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, tăng 0,4% so với số liệu của lần dự báo trước đó. Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu năm 2024. IMF dự báo nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay - tăng 0,2% so với dự báo vào tháng 10-2023.

Trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và Canada dự kiến sẽ có sự khởi sắc. Trong đó, Nhật Bản đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành du lịch, tiếp sức đáng kể cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Dự báo tăng trưởng cho Nga, Iran và Brazil cũng đều có sự cải thiện, bất chấp những yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Riêng kinh tế Nga thậm chí có thể thách thức mọi dự báo của các chuyên gia phương Tây khi không những không sụp đổ mà còn trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu hiện nay, vượt cả mức trước khi xung đột với Ukraine nổ ra. Theo giới quan sát, các biện pháp trừng phạt có thể khiến kinh tế Nga rơi vào tình trạng trì trệ, nhưng nếu chiến tranh kết thúc trong vòng hai năm tới, xứ Bạch dương vẫn có đủ điều kiện để phục hồi nhanh chóng.

Giữa bối cảnh chung này, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được đánh giá sẽ là mấu chốt quyết định kết quả kinh tế thế giới trong năm nay. Dù vậy, chính điều này ẩn chứa những làn gió ngược khi Đức một lần nữa được dự báo sẽ là nền kinh tế thuộc G7 tăng trưởng chậm nhất, dự kiến chỉ đạt 0,5% trong năm 2024. Dự báo Anh, Pháp và Italia tăng trưởng tối đa 1%, trong khi Tây Ban Nha ở mức 1,5%. Tuy nhiên, cũng có tín hiệu khả quan là việc nền kinh tế eurozone trong quý cuối năm 2023 đã dừng đà giảm và tránh được cuộc suy thoái kỹ thuật. Số liệu của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat đưa ra cuối tháng 1-2024 xác nhận, động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu này đã không tăng trưởng (0%) thay vì giảm 0,1% như dự báo trước đó. Tăng trưởng của eurozone hiện nay vẫn đối mặt với nhiều rào cản, như giá năng lượng, lãi suất cao, khủng hoảng chi phí sinh hoạt… Nhưng việc tránh được suy thoái kỹ thuật đã là tiền đề cho phép lạc quan về sự bứt phá trong giai đoạn tới đây.

Về lạm phát, các dự báo cơ bản cho rằng, lạm phát chung không thay đổi, với dự đoán của IMF là ở mức 5,8% cho năm 2024. Tuy nhiên, các ý kiến phân tích đã chỉ ra khoảng cách lạm phát gia tăng giữa các nhóm nước. Cụ thể, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ vào khoảng 2,6% trong năm 2024, giảm 0,4% so với dự báo trước đó. Trong khi đó, lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến vào khoảng 8,1%, tăng 0,3%. Điểm nóng lạm phát là Argentina, nơi giá tiêu dùng đã tăng hơn 200% vào năm 2023 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Theo các ý kiến phân tích, nếu không tính quốc gia Nam Mỹ này, lạm phát toàn cầu chỉ ở mức 4,9% trong năm 2024.

Có thể thấy, dù những dự báo đều đã lạc quan về sự khởi sắc, thế giới vẫn không thể lơ là khi còn không ít rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế. Liên hợp quốc gần đây vẫn tỏ ra quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay. Đây là điều dễ hiểu khi những thách thức như xung đột leo thang, các thảm họa khí hậu vẫn đang đặt ra những thách thức lớn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top