Chính trường Ba Lan: Nguy cơ rơi vào bế tắc

07:30 - Thứ Bảy, 03/02/2024 Lượt xem: 5930 In bài viết

Sóng gió kéo dài hơn một tháng qua trên chính trường Ba Lan đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn khi tình trạng bất đồng quan điểm giữa Thủ tướng Donald Tusk, lãnh đạo đảng Liên minh Dân sự cầm quyền và Tổng thống Andrzej Duda, người hậu thuẫn đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của người đứng đầu chính phủ tiền nhiệm Jaroslaw Kaczynski không ngừng gia tăng.

Điều này có thể khiến nhiều hoạt động của nội các rơi vào tình trạng bế tắc đáng lo ngại.

Mâu thuẫn giữa Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (bên phải) và Tổng thống Andrzej Duda ngày càng gia tăng.

Ngày 2-2, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố sẵn sàng tổ chức bầu cử sớm nếu chính phủ của ông không thể thực hiện các chức năng của mình do mâu thuẫn với Tổng thống Andrzej Duda.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Andrzej Duda chuyển tới Tòa án Hiến pháp hồ sơ liên quan tới ngân sách quốc gia 2024 do Chính phủ đệ trình và được Quốc hội thông qua với lý do nghi ngờ việc này. Theo quan điểm của Tổng thống Andrzej Duda, mặc dù ngân sách đã được Quốc hội thông qua với đa số, song vi phạm điều kiện cần có của một cuộc bỏ phiếu bởi sự vắng mặt 2 nghị sĩ là cựu Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski và Matthias Wasik.

Thời gian qua, những tranh cãi liên quan tới cựu Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski và Matthias Wasik, thành viên đảng PiS, không ngừng khuấy động chính trường Ba Lan. Những rắc rối liên quan tới 2 nhân vật này bắt nguồn từ năm 2015, khi đảm nhiệm chức vụ ở Cục Phòng, chống tham nhũng trung ương (CBA). Do liên quan tới một số bê bối chính trị, ông Mariusz Kaminski đã bị buộc tội lạm dụng quyền hạn và bị tuyên án 3 năm tù giam, 10 năm không được nắm các vị trí công tác. Cựu Phó Cục trưởng CBA là Matthias Wasik cũng bị kết án 3 năm tù giam. Tuy nhiên, vào tháng 11 cùng năm, sau khi PiS giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, và ông Jaroslaw Kaczynski lên làm Thủ tướng Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda đã đặc xá cho ông Mariusz Kaminski và Matthias Wasik. Sau đó, ông Mariusz Kaminski được chỉ định làm Bộ trưởng Nội vụ và ông Matthias Wasik làm cấp phó.

Theo Hiến pháp Ba Lan, tổng thống có quyền làm điều này dù việc đặc xá không có nghĩa 2 ông Kaminski và Wasik không có tội, hay phản bác phán quyết của tòa án. Nhưng đây là động thái chưa từng có trong lịch sử Ba Lan và gây nhiều tranh cãi, đặc biệt khi Tổng thống Andrzej Duda vốn xuất thân từ PiS.

Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 10-2023, PiS tuy về nhất nhưng đánh mất đa số ghế tại Hạ viện. Tổng thống Andrzej Duda đã giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho Thủ tướng Mateusz Morawiecki. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, Chính phủ của ông Morawiecki đã không nhận được đa số tín nhiệm. Sau đó, quyền thành lập chính phủ liên minh được trao cho lãnh đạo đảng Liên minh Dân sự Donald Tusk. Nội các do ông đệ trình đã được Quốc hội Ba Lan thông qua vào ngày 12-12-2023. Do ủng hộ PiS, Tổng thống Andrzej Duda tuyên bố sẽ phản đối chương trình nghị sự của Thủ tướng Donald Tusk và liên minh chính phủ đương nhiệm.

Trong khi đó, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Donald Tusk mong muốn triển khai nhiều biện pháp cải cách nền tư pháp, vốn bị sửa đổi nhiều trong thời gian 8 năm PiS cầm quyền (2015-2023). Trong vòng ít ngày sau khi Thủ tướng Donald Tusk lên nắm quyền, cựu Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski, Thứ trưởng Matthias Wasik đã bị đưa ra xét xử lại và Tòa án Tối cao Ba Lan kết án 2 năm tù vì tội lạm quyền vào tháng 12-2023. Theo Chủ tịch Hạ viện Ba Lan Szymon Holownia, phán quyết nói trên đồng nghĩa với việc các ông Kaminski và Wasik đã mất tư cách nghị sĩ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổng thống Andrzej Duda lại một lần nữa ban hành lệnh ân xá, đồng thời yêu cầu phục hồi tư cách nghị sĩ cho 2 người tại Quốc hội. Ông Andrzej Duda cũng cho biết sẽ gửi tất cả các luật đã được Quốc hội thông qua khi vắng mặt hai nghị sĩ trên tới Tòa án Hiến pháp Ba Lan.

Theo Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thống Andrzej Duda đang sử dụng quyền lực hiến định của mình để cản trở công việc của chính phủ mới lên cầm quyền. Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này có thể cản trở những kế hoạch cải cách của chính phủ mới.

Theo kết quả thăm dò dư luận, nếu một cuộc bầu cử trước thời hạn diễn ra vào thời điểm này, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Donald Tusk sẽ giành chiến thắng. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho PiS đã sụt giảm mạnh, với chưa đến 1/3 số người được hỏi cho rằng sẽ bỏ phiếu cho đảng này.

Chưa biết sóng gió trên chính trường Ba Lan sẽ kéo dài bao lâu, song nhiều nhà bình luận cho rằng, mâu thuẫn leo thang giữa Tổng thống và Thủ tướng đang kéo nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị và pháp lý thực sự.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top