Đồng nội tệ của nước này tiếp tục lao dốc, xuống còn 1.524 naira đổi được 1 USD, mất giá tới 230% trong năm 2023.
Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Nigeria công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 1-2024 đã tăng lên 29,9%, cao nhất kể từ năm 1996, chủ yếu do giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng mạnh. Đồng nội tệ của Nigeria tiếp tục lao dốc, xuống còn 1.524 naira đổi được 1 USD, mất giá tới 230% trong năm 2023.
Người dân Nigeria tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do giá thực phẩm liên tục tăng mạnh.
Theo hãng tin AP ngày 17-2, đồng naira mất giá đang tạo thêm nhiều áp lực cho hàng triệu người Nigeria, vốn đang phải vật lộn với khó khăn do những cải cách của chính phủ, bao gồm cả việc loại bỏ trợ cấp khí đốt khiến giá mặt hàng này tăng gấp 3 lần.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nigeria đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm do lạm phát gia tăng. Sự thất bại của các chính sách tiền tệ đã đẩy đồng naira xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD. Tình trạng này đã gây ra sự phẫn nộ và phản đối trên khắp đất nước.
Tại trung tâm kinh tế Lagos và các thành phố lớn khác, số lượng ô tô tham gia giao thông giảm đáng kể và nhiều người buộc phải đi bộ để đi làm vì không thể chi trả tiền xăng.
Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trong những tuần qua nhưng lực lượng an ninh đã nhanh chóng ngăn cản, thậm chí bắt giữ một số trường hợp.
Với dân số hơn 210 triệu người, Nigeria không chỉ là quốc gia đông dân nhất châu Phi mà còn là nền kinh tế lớn nhất lục địa. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chủ yếu được thúc đẩy bởi các dịch vụ như công nghệ thông tin và ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất và chế biến, nông nghiệp…
Nhiều năm qua, Nigeria phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người dân. Vì vậy, nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc từ bên ngoài.
Trong khi đó, nguồn thu ngoại tệ của nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô. Khi giá dầu thô sụt giảm vào năm 2014, chính quyền đã sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khan hiếm để cố gắng ổn định đồng naira. Chính phủ cũng đóng cửa biên giới đất liền để khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế khả năng tiếp cận đồng USD của các nhà nhập khẩu.
Do đó, để có nguồn ngoại hối cho việc nhập khẩu, các nhà nhập khẩu đã phải tìm đến thị trường không chính thức. Điều này làm cho nhu cầu ngoại hối trên thị trường không chính thức gia tăng, tác động tiêu cực đến lạm phát, khiến giá cả hàng hóa tăng theo.