Ngày 1-3 (giờ Việt Nam), Reuters dẫn số liệu từ giới chức y tế Palestine cho biết, đã có 30.035 người Palestine được xác nhận thiệt mạng và hơn 70.000 người khác bị thương kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra.
Xung đột kéo dài đã biến Dải Gaza thành những đống đổ nát.
Trong đó, Israel cho biết, các tay súng Hamas đã giết chết 1.200 người và bắt cóc 253 người. Xung đột đã biến Gaza thành đống đổ nát. Phần lớn trong số 2,3 triệu dân khu vực phải rời bỏ nhà cửa.
Tới nay, việc cung cấp viện trợ cho miền bắc Gaza vẫn rất khó khăn và thường xuyên trong tình trạng hỗn loạn. Ngày 29-2 (giờ địa phương), ít nhất 112 người Palestine đã thiệt mạng, cùng 280 người bị thương khi chờ đợi một chuyến hàng viện trợ.
Hàng chục người đã được đưa đến Bệnh viện al-Shifa - nơi vẫn đang hoạt động cầm chừng kể từ sau các cuộc tấn công của Israel.
Tới nay, Liên hợp quốc và các cơ quan cứu trợ khác liên tục phản ánh và lên án tình trạng Israel ngăn chặn hoặc hạn chế các nỗ lực viện trợ cho khu vực.
Về phần mình, Israel phủ nhận việc hạn chế viện trợ nhân đạo và đổ lỗi cho Liên hợp quốc về những thất bại trong việc cung cấp hàng tiếp tế.
Philippe Lazzarini, người đứng đầu cơ quan cứu trợ Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết, viện trợ cho Gaza đã giảm một nửa kể từ tháng 1-2024.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) ngày 29-2, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cho biết cuộc chiến thảm khốc ở Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người và cần phải chấm dứt ngay lập tức.
Ông Turk cho rằng những gì đang xảy ra ở Gaza vượt quá sức chịu đựng và không thể diễn tả bằng lời. Ngoài hơn 30.000 người thiệt mạng, hơn 17.000 trẻ em đã bị mồ côi hoặc phải sống tách biệt với gia đình.
Ông Turk đồng thời cũng đề cập tình cảnh khố khó mà người dân Gaza đang phải chịu đựng. Khoảng 3/4 tổng số người dân khu vực này đã phải chạy nạn vì chiến tranh, cùng với đó là việc phá hủy có hệ thống nhằm vào các khu vực sinh sống, biến Gaza về cơ bản thành vùng đất không có sự sống.