Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng/ngày đến quý II-2024. Động thái này nhằm hỗ trợ thêm cho thị trường trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Arab Saudi xác nhận sẽ gia hạn mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6, đồng nghĩa sản lượng dầu của quốc gia này ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày. Cũng trong quý II-2024, Nga sẽ cắt giảm cả sản lượng và xuất khẩu dầu thêm 471.000 thùng/ngày.
Trong khi OPEC+ duy trì mức cắt giảm như kỳ vọng, động thái của Nga có thể khiến giá dầu tiếp tục tăng. Ngày 1-3, dầu thô Brent tăng 1,64 USD, tương đương 2%, lên mức 83,55 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá loại dầu này đã tăng hơn 8%.
Cùng kỳ, Iraq sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng 220.000 thùng/ngày, trong khi Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Kuwait đều giữ nguyên mức cắt giảm, với lần lượt 163.000 thùng/ngày và 135.000 thùng/ngày.
Ảnh minh họa: Reuters
Theo Reuters, OPEC+ đã nhiều lần cắt giảm sản lượng dầu kể từ cuối năm 2022 nhằm mục đích hỗ trợ thị trường trong bối cảnh Mỹ và các nhà sản xuất không phải thành viên tổ chức này tăng sản lượng. Những lo ngại về nhu cầu khi các nền kinh tế lớn gặp khó khăn do lãi suất cao cũng là một yếu tố tác động đến quyết định của OPEC+.
Theo tính toán, tổng sản lượng dầu cam kết cắt giảm của OPEC+ kể từ năm 2022 sẽ ở mức khoảng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu hằng ngày trên thế giới.
Triển vọng nhu cầu dầu là không chắc chắn trong năm 2024. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến tăng trưởng nhu cầu ở mức 2,25 triệu thùng/ngày, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra mức dự báo 1,22 triệu thùng/ngày.
IEA cũng nhận định, nguồn cung dầu sẽ tăng lên mức kỷ lục, vào khoảng 103,8 triệu thùng/ngày ở năm 2024, do được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất ngoài OPEC+, bao gồm Mỹ, Brazil và Guyana.