Trong bài viết đăng trên trang Mondaq số ra mới đây, Tiến sĩ Oliver Massmann, luật sư, kiểm toán quốc tế, cố vấn cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU giai đoạn 2021-2023 do Ủy ban châu Âu (EC) bổ nhiệm, đã nhận định rằng, Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất tại ASEAN trong những năm tới.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo Tiến sĩ Oliver Massmann, đây là câu trả lời chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trong những năm tới. Đó không phải là cách nói cường điệu về môi trường đầu tư cũng như tiềm năng hiện tại của Việt Nam mà dựa trên những cơ sở xác đáng và thực tế, trong đó phải tính đến việc đa dạng hóa kinh tế được cải thiện, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật đầu tư và chính sách kinh tế tốt.
Nghiên cứu “Thế giới năm 2050” của PwC kết luận rằng, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm cao thứ hai trên toàn thế giới, trung bình 5,3%/năm, từ năm 2014 đến năm 2050. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á cho đến năm 2050. Đồng thời, tỷ lệ lạm phát được chính phủ kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3-5% cho cả năm, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát tối đa cho phép là 4,5% vào năm 2023. Hai chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng này đã phần nào thể hiện sự thành công của chính phủ trong việc phục hồi và duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nỗ lực đạt được các chỉ số kinh tế chủ chốt của các nước dẫn đầu khu vực. Đáng chú ý, Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, mới nổi, công nghệ cao, sạch, phương pháp quản lý hiện đại và đóng góp tích cực vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các luật mới của Việt Nam được coi là tự do và thân thiện với nhà đầu tư nhất trong khu vực như Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đầu tư và Luật Hợp tác công tư, đã được thông qua. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.