Trước tình trạng báo động về nhân đạo, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc tại Sudan. Động thái này được kỳ vọng sẽ mở ra lộ trình hướng tới ổn định lâu dài cho đất nước đang bên bờ nạn đói nguy hiểm nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bế tắc trong đàm phán giữa các phe đối lập cho thấy, hy vọng hòa bình vẫn là một giấc mơ xa vời.
Theo thông tin từ Liên hợp quốc, 14 quốc gia ủng hộ, 1 quốc gia bỏ phiếu trắng cho nghị quyết do Anh đề xuất kêu gọi "tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Sudan tìm kiếm giải pháp bền vững cho cuộc xung đột thông qua đối thoại".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, tất cả các bên ở Sudan nên tôn trọng giá trị của Tháng ăn chay Ramadan bằng cách chấm dứt chiến sự. Điều này sẽ mở ra con đường vững chắc hướng tới hòa bình cho người dân Sudan trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quy mô chưa từng thấy.
Những tưởng bất ổn an ninh sau chính biến tại Sudan sẽ kết thúc đầu năm 2023, khi lực lượng vũ trang Sudan (SAF) do tướng Abdel Fattah Burhan đứng đầu và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) của tướng Mohammed Hamdan Dagalo bắt đầu đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Đây là hai vị tướng hiểu rõ về nhau và có tương quan lực lượng tương đương. Hai người cũng từng kề vai sát cánh trong nhiều năm để lật đổ chính quyền tiền nhiệm vào năm 2021. Tuy nhiên, mâu thuẫn đã nổ ra và bùng phát thành giao tranh vũ trang từ ngày 15-4-2023 khi tướng Abdel Fattah Burhan bày tỏ ý định sáp nhập RSF vào SAF. Đây được cho là động thái đe dọa quyền lực đối với tướng Mohammed Hamdan Dagalo.
Cơ hội hòa bình cho quốc gia Bắc Phi ngày càng trở nên mong manh khi các bên tham chiến chưa thể đưa lập trường xích lại gần nhau hơn trong các cuộc đàm phán. Những bất đồng và hỗn loạn kéo dài đang dần làm tiêu tan hy vọng về một tương lai đất nước Sudan có thể sớm khôi phục lại trật tự theo hiến pháp.
Theo Giám đốc viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc Martin Griffiths, việc tiếp cận nhân đạo ở Sudan cần phải được cải thiện khẩn cấp khi xung đột đã khiến 8,3 triệu người phải di dời, 1,7 triệu người trong số đó phải trốn ra nước ngoài. Một nửa trong số 50 triệu người dân Sudan cần viện trợ nhân đạo và gần 18 triệu người đang đối mặt với nạn đói. Để ngăn chặn tình trạng tồi tệ hơn nữa tại nước này, quốc tế cần hỗ trợ thêm lương thực và hạt giống để gieo trồng cho vụ thu hoạch trong tương lai. Đáng nói là, kế hoạch ứng phó nhân đạo trị giá 2,7 tỷ USD của Liên hợp quốc dành cho Sudan vào năm 2024 hiện mới chỉ giải ngân được 4%.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo, cơ quan này không có đủ lương thực để hỗ trợ khẩn cấp cho các cộng đồng đang bị mắc kẹt trong xung đột do bạo lực và sự can thiệp liên tục của các bên tham chiến. Hiện 90% người dân đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khẩn cấp tại Sudan đang ở trong những khu vực mà WFP không thể tiếp cận. Hoạt động hỗ trợ nhân đạo đã bị cản trở sau khi chính quyền thu hồi giấy phép đối với các đoàn xe tải chở hàng viện trợ xuyên biên giới, buộc WFP phải tạm dừng hoạt động từ Cộng hòa Chad đến thủ đô Darfur.
Theo các nhà phân tích, nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một động thái tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đưa ra những cơ chế cụ thể để các bên liên quan triển khai. Thời gian tới, Liên hợp quốc và các quốc gia trung gian nên khẩn trương tổ chức các cuộc thảo luận liên quan đến mục tiêu thiết lập cơ chế giám sát được các bên thống nhất. Những cơ chế này có vai trò đặc biệt để bảo đảm thực thi hiệu quả lệnh ngừng bắn và đạt được các mục tiêu nhân đạo mà nghị quyết hướng tới.
Quan trọng hơn, các bên liên quan tới xung đột, đặc biệt là SAF và RSF phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một giải pháp toàn diện, lâu dài nhằm chấm dứt hoàn toàn xung đột tại Sudan. Từ khi cuộc nội chiến bùng phát tới nay, đại diện hai bên đã tham gia 2 vòng đàm phán gián tiếp do Mỹ và Saudi Arabia hậu thuẫn. Hai bên đã đưa ra một loạt thỏa thuận ngừng bắn nhưng tất cả đều sụp đổ ngay sau khi có hiệu lực hoặc không được tôn trọng nghiêm túc. Mấu chốt của vấn đề là phải giải được “bài toán” cân bằng quyền lực giữa hai vị tướng Abdel Fattah Burhan và Mohammed Hamdan Dagalo.
Trong lúc các cuộc giao tranh đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Sudan, những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh vẫn chưa thể mang lại kết quả như mong đợi. Chưa biết đến lúc nào cuộc đàm phán hòa bình tiếp theo mới được sắp xếp và đất nước này vẫn phải đứng trước một tương lai bất định.