Theo Reuters, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn được việc đóng cửa vào sáng ngày 23-3 (giờ địa phương), khi thông qua một gói chi tiêu khổng lồ, chỉ vài giờ sau khi thời hạn nửa đêm trôi qua. Dự luật này phân bổ ngân sách đầy đủ cho chính phủ đến tháng 9 và chấm dứt cuộc chiến về chi tiêu kéo dài hàng tháng trong năm tài chính 2024.
Ảnh: Getty
Thượng viện đã phê chuẩn gói chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD, với 74 phiếu ủng hộ và 24 phiếu chống. Vài giờ trước đó, gói ngân sách này đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 286 phiếu ủng hộ và 134 phiếu chống. Dự luật sẽ được chuyển tới để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Thượng viện đã vượt quá thời hạn sau nhiều giờ bế tắc về việc bỏ phiếu sửa đổi. Ngay trước nửa đêm ngày 22-3, Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer, một đảng viên Đảng Dân chủ tuyên bố Thượng viện đã đạt được thỏa thuận cho phép họ đẩy nhanh việc thông qua dự luật. Gói chi tiêu bao gồm ngân sách cho các Bộ Ngoại giao, An ninh nội địa, Quốc phòng, Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cũng như quỹ cho các hoạt động nước ngoài, dịch vụ tài chính và ngành lập pháp. Một gói khác tài trợ cho phần còn lại của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua hai tuần trước.
Việc thông qua dự luật này cho phép Quốc hội chuyển trọng tâm sang các ưu tiên khác, bao gồm các dự luật chi tiêu cho năm tới cần được ký thành luật trước tháng 10 và viện trợ nước ngoài cho các đồng minh của Mỹ vốn bị trì trệ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, việc thông qua dự luật đã gây ra mâu thuẫn lớn trong nội bộ đảng Cộng hòa và khiến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đối diện nguy cơ mất chức.
Trước đó, do không thể thông qua hàng chục dự luật phân bổ ngân sách hằng năm cho chính phủ liên bang, các nhà lập pháp đã nhiều lần dựa vào việc gia hạn tài trợ ngắn hạn để duy trì hoạt động của chính phủ kể từ tháng 10 năm ngoái.
Cuối cùng, họ đã có thể phá vỡ tình trạng bế tắc trong tháng này, chia dự luật thành hai gói. Tuy nhiên, việc triển khai gói thứ hai đã bị trì hoãn cho đến hôm 21-3 do tranh chấp về nguồn ngân sách cho Bộ An ninh nội địa.
Do đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã từ bỏ quy định 72 giờ tự áp đặt, cho phép các nhà lập pháp có thời gian đọc luật trước khi bỏ phiếu và gửi đến Thượng viện thông qua trước thời hạn nửa đêm thứ 6.