Singapore - hình mẫu về chính sách nhà ở cho người dân

12:50 - Thứ Bảy, 20/04/2024 Lượt xem: 4663 In bài viết

Là một đất nước có giá bất động sản đắt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song Singapore lại là một trong những hình mẫu về chính sách nhà ở xã hội.

Nhờ có chiến lược đúng đắn từ cách đây hơn nửa thế kỷ, đến nay, 80% dân số quốc đảo này đang sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ.

Một khu nhà ở xã hội của Singapore.

Ít ai biết rằng, từ năm 1947 đến hết những năm 1950, Singapore đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng nhà ở khá nghiêm trọng. Dù Quỹ tín thác cải thiện Singapore đã xây dựng 20.907 căn hộ NƠXH trong khoảng thời gian đó, song số lượng này không đủ so với nhu cầu. Phần lớn người dân phải sống trong những khu ổ chuột đông đúc và những khu định cư lấn chiếm.

Bước ngoặt đến với quốc đảo Sư tử vào năm 1960, khi Chính phủ quyết định thành lập Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) chuyên tập trung giải quyết nhu cầu định cư của người dân.

Bằng cách làm hợp lý, chỉ sau 3 năm, HDB đã xây dựng được 31.317 căn hộ và xử lý thành công cuộc khủng hoảng nhà ở. Các căn hộ ban đầu rất cơ bản, có nước máy và hệ thống vệ sinh sạch sẽ, giúp nhiều người có được mái ấm đàng hoàng hơn so với trước. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, cơ quan này chuyển hướng sang xây dựng các tòa chung cư, nhắm đến nhiều đối tượng hơn.

Nói về chính sách phát triển nhà ở, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người lãnh đạo Singapore từ năm 1959 đến 1990 chia sẻ: “Khi đó tôi suy nghĩ, nếu như có thể giúp nhiều người dân được sở hữu nhà ở, các công dân của Singapore sẽ cảm thấy gắn bó với đất nước hơn. Mong muốn của tôi là từ đó sẽ tạo sự gắn kết những người dân có gốc gác từ nhiều nơi khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia”.

Từ đó đến nay, số lượng căn hộ HDB xây dựng đã vượt con số 1 triệu, trải rộng khắp 24 thị trấn và 3 khu quy hoạch dân cư. Dự án xây dựng của HDB bao gồm chung cư, nhà liền kề và nhà phố với mục tiêu tạo ra một môi trường an ninh, tiện nghi và xanh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển đô thị một cách bền vững.

Tôn chỉ luôn được HDB đưa lên hàng đầu là: “Khi cung cấp nhà ở, chúng tôi xem xét toàn bộ các khía cạnh để tạo nên môi trường sống tối ưu cho cư dân. Đó là một quá trình liên tục nhằm xây dựng các cộng đồng sôi động, đổi mới, bền vững và chúng tôi luôn cố gắng đạt được kết quả xuất sắc”.

Ngoài ra, Chính phủ Singapore còn quy định về hạn ngạch để đảm bảo mỗi tòa nhà có tỷ lệ người gốc Hoa, gốc Ấn và gốc Malaysia được phân bổ đúng như cấu trúc dân số. Điều này giúp tránh việc hình thành những cụm dân cư phân biệt gốc gác.

Cùng với sự ra đời HDB, năm 1964, Chính phủ Singapore đã đưa ra Chương trình sở hữu nhà cho người dân nhằm thúc đẩy quyền sở hữu bất động sản cũng như cải thiện sự ổn định chung về kinh tế - xã hội và chính trị của đất nước. Đến năm 1968, với mong muốn giúp nhiều người trở thành chủ sở hữu nhà hơn, Chính phủ đã cho phép sử dụng Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) để trả trước và trả góp khoản vay thế chấp hằng tháng.

Theo đó, mỗi người dân Singapore trong độ tuổi lao động phải dành ra 20% tiền lương hằng tháng (chủ sử dụng lao động đóng thêm 17%) để tiết kiệm. Họ có quyền rút ra 1 phần trong số tiền tiết kiệm này để làm tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Nhiều người cũng được cấp các khoản vay thế chấp giá rẻ và sử dụng tiền tiết kiệm CPF để trả lãi hằng tháng. CPF cùng với các chương trình trợ cấp khác như hỗ trợ mua nhà lần đầu đã khiến việc sở hữu nhà trở nên dễ dàng hơn.

Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Sau khoảng 3 - 4 năm dự án mới hoàn thành, tuy nhiên, họ có thể lựa chọn mua những căn hộ cũ với giá thỏa thuận trực tiếp từ chủ nhà.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top