Châu Âu đối phó thế nào với thông tin sai lệch trước thềm bầu cử?

09:51 - Thứ Sáu, 26/04/2024 Lượt xem: 4313 In bài viết

Mối lo ngại đang gia tăng liên quan đến thông tin sai lệch và những vấn đề do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6 tới.

Trước đó, vào tháng 3-2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra khuyến nghị với các nền tảng kỹ thuật số có hơn 45 triệu người dùng mỗi tháng ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm thiểu rủi ro từ hệ thống trực tuyến có thể ảnh hưởng đến tính xác thực của các cuộc bầu cử.

Thông tin sai lệch trở thành mối nguy hại cho các cuộc bầu cử ở châu Âu. ẢnhEuronews

Nghiên cứu các cuộc bầu cử trước đây ở châu Âu, giới chuyên gia lưu ý rằng, thông tin sai lệch có thể dưới nhiều hình thức với các câu chuyện chính nhắm vào biến đổi khí hậu, nhập cư và hỗ trợ Ukraine.

Tommaso Canetta, Phó Giám đốc Kiểm tra thực tế của Đài Quan sát truyền thông kỹ thuật số châu Âu (EDMO), chia sẻ với Euronews: "Xem xét bản chất của cuộc bầu cử EU, chúng tôi cho rằng những câu chuyện về tin xuyên tạc sẽ mang sắc thái quốc gia và địa phương".

Roberta Schmid, Quản lý biên tập tại Đức và Áo của công ty NewsGuard, chuyên đánh giá các trang tin tức nhận định rằng, những tuyên bố sai lệch về người tị nạn Ukraine và các chính sách về biến đổi khí hậu có thể sẽ được lan truyền.

"Rất nhiều tuyên bố sai sự thật mang tính cá nhân, nghĩa là phần lớn trong số đó là về các chính trị gia cụ thể", Roberta Schmid chia sẻ.

Deepfake audio (âm thanh giả mạo) là mối quan tâm chính

Về AI, Roberta Schmid nói rằng, đó là "một rủi ro bổ sung bên cạnh rủi ro đã có. Deepfake audio đã xuất hiện từ khá lâu rồi. Sự khác biệt lớn là chúng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là bây giờ ngày càng tiên tiến".

Theo Tommaso Canetta, “trong khi AI tạo ra bước nhảy vọt về mặt kỹ thuật trong những tháng gần đây, hình ảnh và video do AI tạo ra vẫn chưa đủ tốt để cung cấp đầu ra hoàn toàn thực tế. Tuy nhiên, âm thanh do AI tạo ra có thể truyền đi như thật do thiếu manh mối trực quan. Đó là một vấn đề đối với người dùng để phát hiện nguồn gốc nhân tạo của nội dung”.

Trong cuộc bầu cử ở Slovakia năm 2023, Michal Simecka, lãnh đạo đảng Cấp tiến, là nạn nhân của một chiến dịch đưa thông tin sai lệch với đoạn ghi âm giả ghi lại việc ông thảo luận về việc gian lận phiếu bầu với một nhà báo.

Tommaso Canetta nói thêm: “Điều này thật khó khăn vì để vạch trần loại nội dung này cần có thời gian. Vì vậy, nó có thể gây hại cho cuộc bầu cử”.

Hầu hết các đảng chính trị ở châu Âu đã ký quy tắc ứng xử cho cuộc bầu cử vào EP với cam kết "không sản xuất, sử dụng hoặc phổ biến nội dung sai lệch". Tuy nhiên, hiện tại không có hệ thống hoàn hảo để phát hiện chúng.

Các chuyên gia cũng cảnh báo người dùng không nên tin tưởng vào chatbot AI, dễ bị "ảo giác" và có thể truyền đạt thông tin sai lệch.

Một trong những hiện tượng do AI thúc đẩy đang gây lo ngại ngày càng tăng là việc tạo ra các nội dung khiêu dâm nhằm chống lại các ứng cử viên nữ. Theo BBC, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni là một nạn nhân của những vụ này và đang đòi bồi thường lên đến 100.000 euro.

Nhiều công cụ được sử dụng để chống lại thông tin sai lệch

EC đã tổ chức một cuộc “kiểm tra sức chịu đựng” vào ngày 24-4, mời tất cả nền tảng và công cụ tìm kiếm lớn tham gia. Những người tham gia sẽ làm việc thông qua các tình huống, trong đó nhiều công cụ và cơ chế có thể được sử dụng để giải quyết các sự cố, chẳng hạn như chiến dịch thông tin sai lệch nhằm phá hoại cuộc bầu cử.

Đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng sau các vụ bê bối trước đó, một số nền tảng truyền thông xã hội đã thực hiện các biện pháp để tăng cường giám sát thông tin sai lệch.

TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, đã thành lập một trung tâm bầu cử trực tuyến của EU, đồng thời cho biết thêm rằng, 30% thành viên của EP đã có mặt trên nền tảng này. “TikTok làm việc với 15 tổ chức xác minh tính xác thực trên khắp thế giới, hỗ trợ hơn 40 ngôn ngữ”. Các video có nội dung chưa được xác minh đã được gắn cờ cho người dùng và không xuất hiện trong phần “Dành cho bạn”, Euronews thông tin thêm.

Vài tuần sau thông báo của TikTok, Meta cũng cho biết, họ đang thành lập trung tâm điều hành riêng cho cuộc bầu cử để xác định các mối đe dọa tiềm ẩn và đưa ra các biện pháp giảm thiểu. Trong một tuyên bố riêng, công ty mẹ của Facebook cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu dán nhãn nội dung do AI tạo ra vào tháng 5-2024.

Theo Reuters, Google cũng đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chống thông tin sai lệch Jigsaw và đang chuẩn bị triển khai một chiến dịch tại 5 quốc gia EU. Công ty cũng bắt đầu hạn chế các truy vấn liên quan đến bầu cử đối với chatbot Gemini AI.

Trong khi đó, nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây là Twitter, chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào liên quan đến bầu cử.

Các công ty phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hằng năm nếu không tuân thủ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các nền tảng giảm thiểu thao túng bầu cử.

Các chuyên gia cho rằng, cử tri châu Âu nên thận trọng. Tommaso Canetta nhắn nhủ: “Hãy suy nghĩ trước khi chia sẻ, xem nguồn nội dung bạn sắp chia sẻ, xem các nguồn khác đang nói gì, hay phương tiện truyền thông truyền thống. Hãy nuôi dưỡng sự hoài nghi lành mạnh để không rơi vào cái bẫy không tin vào bất cứ điều gì bạn nhìn thấy".

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top