Ngày 3-5, Kyodo dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, dự án hợp tác giữa nước này và Mỹ, nhằm phát triển chung một loại tên lửa mới có khả năng đánh chặn vũ khí siêu vượt âm (hypersonic), sẽ tiêu tốn trên 3 tỷ USD.
Dự án hợp tác Nhật Bản - Mỹ lần này được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đang tích cực phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: Defence Express.
Dự án này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí triển khai khi tham dự hội nghị ba bên, cùng người đồng cấp Hàn Quốc, tại Washington (Mỹ) vào năm ngoái.
Trong đó, Nhật Bản "chịu trách nhiệm" chi 1 tỷ USD cho dự án "Đánh chặn giai đoạn lướt". Hai nước đang đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2030.
Đây là lần thứ hai, Nhật Bản và Mỹ quyết định cùng nhau phát triển một tên lửa đánh chặn, sau dự án Standard Missile-3 Block 2A. Động thái mới được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đang tích cực theo đuổi các công nghệ siêu vượt âm.
Tên lửa và các phương tiện lướt siêu vượt âm có khả năng bay với tốc độ trên Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Các loại vũ khí này có tính cơ động cao, có thể thay đổi hướng liên tục trong suốt hành trình, khiến chúng khó bị bắn hạ hoặc theo dõi bởi radar.
Vì vậy, dự án hợp tác lần này hướng đến việc triệt hạ các tên lửa siêu vượt âm khi chúng đang di chuyển trong giai đoạn lướt, là giai đoạn dễ bị bắn hạ nhất trước khi rời không gian để quay trở lại bầu khí quyển.
Đây là khác biệt lớn so với hệ thống phòng thủ thông thường, vốn được thiết kế để đánh chặn ngay trước khi tên lửa tiếp cận mục tiêu.
Bên cạnh dự án hợp tác với Nhật Bản, Mỹ cũng đang phát triển mạng lưới tên lửa siêu vượt âm của riêng mình. Tháng 3-2024, nước này đã công bố những hình ảnh các đội bay B-52 tại căn cứ không quân Andersen (trên đảo Guam) được huấn luyện làm quen với tên lửa siêu vượt âm AGM-183A.