Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong bối cảnh xung đột ở Gaza tiếp tục leo thang sau khi Tel Aviv tuyên bố hủy bỏ Hiệp định Thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ và áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu của nước này nhằm đáp trả quyết định của Ankara ngừng xuất khẩu sang Israel.
Người biểu tình tuần hành ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Arabnews
Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich cho biết, một kế hoạch sẽ được trình lên nội các Israel để phê duyệt. Theo đó việc hủy bỏ hiệp định thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hiệu lực cho đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Theo Bộ Tài chính Israel, thuế sẽ được áp dụng đối với mọi sản phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Israel với mức 100% giá trị hàng hóa bên cạnh mức thuế hiện hành. Hiệp hội Các nhà sản xuất Israel gọi kế hoạch của Bộ trưởng Bezalel Smotrich là "một phản ứng thích hợp" vì không thể để Ankara gây thiệt hại cho nền kinh tế của Tel Aviv mà không có phản ứng nào.
Trước đó, Ankara đã thực hiện bước đi chưa từng có là ngừng xuất khẩu sang Israel trong thời gian diễn ra xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza. Động thái áp đặt các hạn chế thương mại giữa hai quốc gia chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hậu quả kinh tế đối với doanh nghiệp, doanh nhân của hai bên.
Mustafa Gultepe, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu 70-80% sản phẩm sang thị trường Israel và nếu lệnh cấm này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề lớn. "Nếu vấn đề thương mại không được giải quyết trong vòng một hoặc hai tháng, mục tiêu thương mại cuối năm sẽ giảm từ 267 tỷ USD xuống còn 260 tỷ USD”, Mustafa Gultepe nói.
Mặt khác, quan hệ thương mại bị cắt đứt với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mang lại gì cho người Israel ngoài thiệt hại kinh tế và những vấn đề lớn trong bối cảnh cuộc xung đột chưa có hồi kết.
Theo báo cáo của nhật báo Yedioth Ahronoth (Israel), việc tạm dừng thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại và công nghiệp của Tel Aviv. Báo cáo nêu rõ, nhập khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm cuối cùng từ Thổ Nhĩ Kỳ hằng năm là 5 tỷ USD. Trang tin này cho biết thêm, hàng chục công ty Israel có thể sẽ thiệt hại tới 1,5 tỷ USD do ngừng xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, lệnh cấm mà Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt đối với ngành Xây dựng của Israel dự kiến sẽ có những tác động tiêu cực nghiêm trọng vào thời điểm lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến ở Gaza. Israel nhập khẩu khoảng 70% vật liệu xây dựng và khoảng 1/3 lượng xi măng từ Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường Israel cũng là một trong những điểm đến quan trọng của "Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước sản xuất vật liệu xây dựng duy nhất nhưng lại rẻ nhất vì vị trí địa chính trị gần nhau". Theo Posner, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc các nhà nhập khẩu phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế từ các nước khác, điều này sẽ dẫn đến “chi phí bổ sung và giá cao hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp” cũng như khiến việc xây dựng trở nên đắt đỏ hơn.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã căng thẳng kể từ sự cố năm 2010, khi đội biệt kích Israel đột kích vào tàu viện trợ Mavi Marmara do Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu đang đi tới Gaza trong vùng biển quốc tế. Song Ankara và Tel Aviv dường như đang trên con đường xích lại gần nhau cho đến khi cuộc chiến ở Gaza đảo ngược những nỗ lực đó.
Trong các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ là nước đã có lập trường mạnh mẽ nhất chống lại Israel. Ankara cho biết lệnh cấm thương mại sẽ được giữ nguyên cho đến khi có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza. Các cuộc đàm phán ở Cairo (Ai Cập) vẫn chưa mang lại kết quả trong bối cảnh lo ngại về hành động quân sự lớn hơn của Israel tại thành phố Rafah, phía Nam Gaza.
Tiến sĩ Ali Bakir, Giáo sư tại Trung tâm Ibn Khaldon của Đại học Qatar, nói với NewArab: “Từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Palestine là một yếu tố quan trọng trong việc định hình mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, vì vậy, người Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua yếu tố này”.
Trong việc thiết lập mối quan hệ giữa hai bên, việc giữ quan hệ kinh tế tránh xa căng thẳng chính trị là một phần không thể tách rời trong chính sách song phương. Cách tiếp cận này đã mang lại một kết quả: Ngay cả những cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và các mối quan hệ thù địch cũng không cản trở được hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển và thịnh vượng của cả hai bên. Tuy nhiên, những quyết định gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã chứng minh rằng, những căng thẳng chính trị tác động đến quan hệ kinh tế là điều không thể tránh khỏi.