Ngày 21-5, theo Euronews, cảnh sát Kosovo đã đóng cửa 6 chi nhánh của một ngân hàng Serbia do giao dịch bằng đồng dinar, vốn bị cấm ở Kosovo.
Một chi nhánh ngân hàng Seriba bị đóng cửa. Ảnh: Euronews.
Một tuyên bố của cảnh sát cho biết, được sự cho phép của văn phòng công tố, họ đã đóng cửa các chi nhánh Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện của Serbia, theo yêu cầu từ các tổ chức tài chính.
Trước đó, bắt đầu từ ngày 1-2, chính quyền Kosovo yêu cầu các khu vực có đông người gốc Serbia sinh sống sử dụng đồng euro, đồng thời, bãi bỏ việc sử dụng đồng dinar của Serbia.
Pristina đã hoãn thực thi quyết định trong khoảng 3 tháng do áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, lo ngại rằng, quyết định này sẽ tác động tiêu cực đến dân tộc thiểu số Serbia ở miền Bắc Kosovo.
Hành động của chính quyền Kosovo diễn ra một tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Kosovo (CKB) thông báo rằng, giai đoạn chuyển tiếp đối với quy định cấm sử dụng đồng dinar của Serbia để thanh toán đã kết thúc.
Hiện tại, hầu hết Kosovo sử dụng đồng euro, mặc dù vùng lãnh thổ này không phải là thành viên của EU.
Quy định của CBK, coi đồng euro là đồng tiền duy nhất để thanh toán, đã bị Serbia phản đối mạnh mẽ bởi quốc gia này thường xuyên phân bổ viện trợ trị giá hàng triệu euro cho cộng đồng người Serbia ở Kosovo bằng đồng dinar.
Cộng đồng quốc tế đã yêu cầu Kosovo hoãn thực hiện quy định CBK, đề cập đến tác động có thể gây ra đối với cộng đồng người Serbia ở Kosovo.
EU và Mỹ thúc ép cả hai bên thực hiện các thỏa thuận mà Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić và Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đã đạt được vào tháng 2 và tháng 3 năm ngoái.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ do EU tạo điều kiện không đạt được tiến bộ, đặc biệt sau vụ xả súng tháng 9-2023 giữa các tay súng người Serbia và cảnh sát Kosovo khiến 4 người thiệt mạng và làm gia tăng căng thẳng.
Serbia và Kosovo đều muốn gia nhập EU, nhưng người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối, Josep Borrell, đã cảnh báo rằng, việc Serbia và Kosovo từ chối thỏa hiệp đang cản trở cơ hội tiến vào “ngôi nhà chung” châu Âu.