Tây Ban Nha và Argentina: Quan hệ ngoại giao đang "tụt dốc"

08:51 - Thứ Năm, 23/05/2024 Lượt xem: 3974 In bài viết

Tây Ban Nha và Argentina đang đứng trước một cuộc khủng hoảng ngoại giao khi Madrid rút Đại sứ tại Buenos Aires về nước vô thời hạn.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những phát biểu gay gắt của Tổng thống Argentina Javier Milei về phu nhân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, cũng như thể chế của nước này trong sự kiện do đảng đối lập Vox tổ chức tại thủ đô Madrid, có sự tham dự của nhiều đồng minh quốc tế theo phe cực hữu.

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại thủ đô Buenos Aires (Argentina).

Theo báo chí quốc tế, Tổng thống Argentina Javier Milei theo đường lối tự do đã thực hiện một chuyến thăm tới Tây Ban Nha không giống với thông lệ của các mối quan hệ truyền thống như một số quốc gia Nam Mỹ vẫn thực hiện nhiều năm qua. Suốt 3 ngày ở thủ đô Madrid (từ 17 đến 19-5), Tổng thống Javier Milei không gặp Nhà vua Felipe VI, Thủ tướng Pedro Sánchez hay bất kỳ quan chức chính phủ nào của Tây Ban Nha. Ông chỉ tham dự hội nghị của đảng Vox - đối thủ chính trị đáng gờm nhất của đảng cầm quyền Xã hội cánh tả.

Tại cuộc biểu tình cũng do đảng Vox tổ chức, ông Javier Milei đã đưa ra quan điểm phản bác đường lối của cánh tả và có những lời nói bóng gió chê Thủ tướng Pedro Sánchez đã không xuất hiện trước công chúng vào tháng trước vì phu nhân của ông bị cáo buộc tham nhũng.

Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares cho rằng, Tổng thống Javier Milei đã lợi dụng chuyến thăm của mình để chọc tức Tây Ban Nha, phá vỡ nghi thức ngoại giao mà Tây Ban Nha và các nước Mỹ Latinh đã tuân thủ từ lâu. “Chúng tôi đang phải đối mặt với một trường hợp độc nhất, không chỉ riêng với chính phủ này mà còn là duy nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế. Chưa có tiền lệ nào về việc một nguyên thủ quốc gia tới thủ đô của một quốc gia khác để xúc phạm thể chế của nước đó”, ông José Manuel Albares nói.

Ngày 20-5, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã yêu cầu Argentina xin lỗi công khai về những phát ngôn không thiện chí kể trên, song Tổng thống Javier Milei đã từ chối, đồng thời cho rằng, chính Madrid nên xin lỗi vì những lời nói không đúng sự thật của các quan chức Tây Ban Nha nhằm vào ông trước đó, bao gồm cả việc cho rằng, nhà lãnh đạo Argentina có sử dụng ma túy. Tổng thống Javier Milei còn phàn nàn rằng, Thủ tướng Pedro Sánchez đã ủng hộ đối thủ của ông trong cuộc bầu cử Arghentina năm ngoái và không chúc mừng khi ông giành chiến thắng.

Phản ứng trước động thái của Tổng thống Javier Milei, Tây Ban Nha đã yêu cầu Đại sứ tại Argentina, bà María Jesús Alonso Martínez về nước. Bộ trưởng Ngoại giao José Manuel Albares cho biết, Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Argentina sẽ do đại biện lâm thời đứng đầu.

Ngày 22-5, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Argentina Manuel Adorni đã đưa ra lời lẽ hòa giải, nói rằng Buenos Aires sẽ không đáp lại bằng cách rút đại sứ của mình tại Tây Ban Nha “trong bất kỳ trường hợp nào, mối quan hệ anh em của chúng tôi không liên quan gì đến những gì đang xảy ra”. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, nếu Tổng thống Javier Milei không “xuống thang”, quan hệ giữa hai nước khó có thể trở lại bình thường.

Kể từ khi lên nhậm chức 6 tháng trước, Tổng thống Javier Milei có không ít lời chỉ trích nhằm vào nhiều nhà lãnh đạo theo đường lối cảnh tả như Giáo hoàng Francis, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Colombia Gustavo Petro. Tuy nhiên, lần này, Chính phủ Tây Ban Nha tin rằng ông đã đi quá xa.

Sự bất đồng với Tây Ban Nha, một đối tác đầu tư quan trọng của Argentina, có thể gây ra những hậu quả kinh tế và chính trị lâu dài cho Argentina trong bối cảnh Tổng thống Javier Milei đã cam kết sẽ giải cứu nền kinh tế gặp khó khăn lâu nay của đất nước thông qua các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Những dấu hiệu có thể nhận biết mới nhất đó là trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Javier Milei và các giám đốc điều hành doanh nghiệp Tây Ban Nha cuối tuần qua, Chủ tịch hội đồng kinh doanh chính của Tây Ban Nha - Antonio Garamendi cho biết, ông “bác bỏ sâu sắc những nhận xét trái ngược” của nhà lãnh đạo Argentina về Chính phủ Tây Ban Nha.

Hiện tại, Tây Ban Nha là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Argentina sau Mỹ. Theo thống kê, các công ty Tây Ban Nha đầu tư tới 140 triệu euro (152 triệu USD)/năm vào quốc gia quê hương của điệu nhảy Tango trong thời gian qua. Khoảng 495.000 người Tây Ban Nha sống ở Argentina, trong khi 97.000 người Argentina cư trú tại Tây Ban Nha.

Mặc dù Argentina từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong một thời gian dài, nhưng chỉ vài thập kỷ sau khi Buenos Aires giành được độc lập, hai nước đã nối lại mối quan hệ thân thiện và ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị năm 1863. Căng thẳng ngoại giao lần này đang đẩy mối quan hệ giữa Tây Ban Nha và Argentina xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top