Ngày 3-6, Reuters đưa tin, giá dầu thế giới đã giảm trong phiên giao dịch đầu tuần, bất chấp việc nhóm sản xuất OPEC+ đã quyết định kéo dài cắt giảm sản lượng sâu đến năm 2025.
Giá dầu thế giới trên đà lao dốc trong bối cảnh các "điểm nóng" tác động như xung đột Trung Đông chưa có diễn biến bước ngoặt nào. Ảnh: PetroSync.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giao tháng 8-2024 giảm 24 cent, tương đương 0,3%, xuống 80,87 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn giao tháng 7-2024 của Mỹ giảm 19 cent, tương đương 0,25%, xuống 76,8 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, cùng được gọi là OPEC+, hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.
Tổng lượng cắt giảm bao gồm đợt cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày dự kiến kết thúc vào cuối năm 2024, cũng như đợt cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên, ước tính khoảng 2,2 triệu thùng/ngày, dự kiến kết thúc cuối tháng 6-2024.
Cuối tuần qua, OPEC+ cũng đã đồng ý gia hạn cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm một năm cho đến cuối năm 2025, đồng thời kéo dài việc cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng – tức đến cuối tháng 9-2024, trước khi hạ mức cắt giảm dần dần trong một năm (dự kiến từ tháng 10-2024 đến tháng 9-2025).
Nhìn về tương lai, giới quan sát cho rằng giá dầu trước mắt chưa có biến động lớn trong bối cảnh các điểm nóng địa chính trị, như xung đột tại Gaza, chưa có bước tiến.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng dự báo, tuần này sẽ là khoảng thời gian đầy biến động với một loạt các sự kiện về tài chính, trong đó phải kể đến cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ. Những động thái này có thể tạo ra những tác động nhất định tới giá dầu.