G7 nhất trí cho Ukraine vay 50 tỷ USD

08:38 - Thứ Sáu, 14/06/2024 Lượt xem: 4092 In bài viết

Theo Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7, các nhà lãnh đạo nhất trí sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine với khoản vay 50 tỷ USD.

Quang cảnh cuộc họp trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Savelletri, Puglia, Italia, ngày 13-6. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Meloni đã mời Tổng thống Zelensky tham gia phiên họp thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra tại Puglia, Italia, về cuộc chiến Ukraine với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản và Anh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Zelensky cảm ơn các nhà lãnh đạo G7 vì sự hỗ trợ mà ông cho biết sẽ hướng tới "cả quốc phòng và tái thiết". Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine cho biết nước này vẫn cần thêm hệ thống phòng không để chống lại các cuộc tấn công của Mátxcơva vào tiền tuyến cũng như mạng lưới điện của Kiev.

Hiện nay, các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ euro tài sản của Nga, nhưng họ chỉ có thể tiếp cận nguồn lợi nhuận do các tài sản này tạo ra, khoảng 3,2 tỷ USD/năm. Bằng cách thành lập một quỹ cho phép các khoản vay được hoàn trả bằng nguồn lợi nhuận này, các quốc gia phương Tây có thể hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine nhiều hơn số tiền nêu trên.

Các nước G7 và EU là những quốc gia hỗ trợ tài chính và quân sự quan trọng cho Kiev kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2-2022. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ca ngợi thỏa thuận cho vay này là một "bước đi lịch sử". Ông nói: “Cơ sở đã được tạo ra để Ukraine có thể mua mọi thứ mình cần trong tương lai gần, về vũ khí cũng như về đầu tư vào tái thiết hoặc cơ sở hạ tầng năng lượng”.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra vào thời điểm toàn cầu đặc biệt bất ổn.

Ngoài xung đột ở Ukraine, xung đột Hamas - Israel đang khốc liệt và căng thẳng kinh tế đang gia tăng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Nhiều quốc gia G7 cũng đang trong tình trạng biến động chính trị, đây có thể là hội nghị thượng đỉnh G7 cuối cùng của Tổng thống Biden nếu ông thua ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak được cho là sẽ không thể tái cử trong cuộc bầu cử ngày 4-7, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Scholz đều chịu áp lực sau khi phe cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện EU vào cuối tuần trước.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italia, ngày 13-6 . Ảnh: Kyodo

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 13-6, Ukraine và Nhật Bản đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm. “Năm 2024, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Ukraine 4,5 tỷ USD và sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong suốt thời hạn 10 năm của thỏa thuận”, ông Zelensky nói trên mạng xã hội X, đồng thời mô tả hiệp ước là "văn kiện đặc biệt với một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới về kinh tế và công nghệ". Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ Ukraine, nhưng nước này chỉ giới hạn ở hỗ trợ phi quân sự do những hạn chế trong việc cung cấp vũ khí theo Hiến pháp từ bỏ chiến tranh.

Tương tự cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Volodymyr Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. "Các bên công nhận thỏa thuận này là cầu nối giúp Ukraine sau cùng sẽ trở thành thành viên NATO", theo nội dung thỏa thuận.

Trong trường hợp Ukraine bị tấn công hoặc đe dọa tấn công, các quan chức hàng đầu của Washington và Kiev sẽ họp trong vòng 24 giờ để bàn cách ứng phó, xác định Ukraine cần thêm biện pháp phòng thủ nào. Mỹ cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky mô tả thỏa thuận an ninh với Mỹ là "chưa từng có".

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top