Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại EU - Trung Quốc

08:31 - Thứ Hai, 24/06/2024 Lượt xem: 2877 In bài viết

Quyết định tăng thuế lên tới 38% của Liên minh châu Âu (EU) đối với các hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4-7 tới đang vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía Bắc Kinh.

Dư luận quốc tế lo ngại, các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa hai bên có nguy cơ khiến căng thẳng thương mại leo thang, trở thành một “cuộc chiến” mở rộng sang các lĩnh vực khác như rượu, xe hơi hạng sang và nhiều sản phẩm khác.

Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu hơn 430.000 xe điện vào thị trường châu Âu. Ảnh: Polotico.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sở dĩ căng thẳng hai bên có dấu hiệu leo thang là do mức thâm hụt thương mại song phương về hàng hóa năm 2023 lên tới gần 300 tỷ euro và EU muốn thu hẹp khoảng cách này.

Châu Âu lập luận rằng, hàng tỷ USD đã được Trung Quốc chi ra để thúc đẩy sản xuất công nghiệp đã gây ra tình trạng dư thừa công suất, dẫn đến làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu. Trước EU, Washington đã “mạnh tay” hơn khi Tổng thống Joe Biden tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc, lên mức 100%. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các nhà sản xuất Trung Quốc hầu như chưa tạo được chỗ đứng vững chắc ở Mỹ, trong khi họ đang nhanh chóng thâm nhập thị trường EU. Theo thống kê, nhập khẩu xe điện Trung Quốc vào châu Âu đã tăng mạnh trong những năm gần đây, hơn gấp đôi số lượng từ năm 2021 đến năm 2023, lên hơn 430.000 xe mỗi năm, trị giá 10 tỷ euro.

Trước khi tăng thuế nhằm vào xe điện, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá từ giữa tháng 5 vừa qua đối với các sản phẩm sắt hoặc thép cán phẳng, mạ hoặc tráng thiếc từ Trung Quốc, sau khi có khiếu nại từ Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer). Eurofer cho biết, ngành công nghiệp EU đã thiệt hại 25% khối lượng bán hàng từ năm 2021 đến 2023, trong khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng hơn gấp đôi.

Trong một động thái nhằm đáp trả quyết định của Ủy ban châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thúc giục chính phủ tăng thuế đối với ô tô chạy bằng xăng nhập khẩu từ Cựu lục địa. Đầu tuần trước, Bắc Kinh cũng đã thông báo khởi động tiến trình điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông cho biết, phía châu Âu đã yêu cầu quá nhiều thông tin từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Chúng bao gồm yêu cầu chi tiết về sản xuất và phát triển, công nghệ và công thức sản phẩm... “Trong khi các công ty Trung Quốc cố gắng hết sức hợp tác với cuộc điều tra và cung cấp thông tin, Ủy ban châu Âu vẫn cáo buộc một cách vô lý rằng, các công ty Trung Quốc không hợp tác đầy đủ và áp đặt mức thuế cao mang tính trừng phạt”, ông Hà Á Đông cho biết thêm.

Hiện, thuế nhập khẩu ô tô vào Trung Quốc là 15%. Một trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực này đã đề xuất tăng thuế quan đối với ô tô chạy xăng cỡ lớn nhập khẩu từ EU lên 25%, một động thái có thể gây tổn hại cho những hãng xe thể thao và nhà sản xuất SUV Porsche. Trong khi đó, Mercedes, Volkswagen và BMW của Đức đều có nhà máy ở Trung Quốc và phụ thuộc vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới về phần lớn doanh thu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi không phải tất cả các ông chủ ngành ô tô châu Âu đều chia sẻ với sự nhiệt tình của EC đối với cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào xe điện Trung Quốc. Theo Matthias Schmidt, một nhà phân tích thị trường ô tô châu Âu, trong khi các thương hiệu ô tô Đức đang tiếp cận mạnh mẽ với thị trường Trung Quốc, các mẫu xe cao cấp của họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu hai bên không tìm cách gỡ bỏ bất đồng, danh mục trả đũa sẽ nối dài. Ngoài cuộc điều tra chống bán phá giá thịt lợn, tăng thuế với xe cỡ lớn, Trung Quốc cũng có thể đánh thuế rượu brandy, rượu vang, sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top