Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa tái sử dụng

15:14 - Thứ Hai, 24/06/2024 Lượt xem: 3488 In bài viết

Ngày 24-6, SCMP đưa tin, Học viện Công nghệ hàng không vũ trụ Thượng Hải (SAST) - đơn vị thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - đã thử nghiệm thành công tên lửa tái sử dụng tiên tiến từ bệ phóng trên sa mạc Gobi.

Tên lửa của SAST thử nghiệm thành công tại Trung tâm Phóng vệ tinh Jiuquan ở sa mạc Gobi. Ảnh: SAST.

SAST là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, cũng là nhà thầu chính trong chương trình không gian của Bắc Kinh.

SAST thông báo, đã thử nghiệm thành công loại tên lửa tái sử dụng mới. Cuộc thử nghiệm bao gồm các hoạt động phóng, điều khiển di chuyển sang một bên và hạ cánh tên lửa một cách an toàn. SCMP nhấn mạnh, đây là "cột mốc quan trọng" trong việc phát triển tên lửa có thể tái sử dụng của Trung Quốc.

Theo China Space News, loại tên lửa mà SAST thử nghiệm có đường kính 3,8m, được trang bị ba động cơ đốt khí mêtan và oxy lỏng. Tên lửa được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền khoảng 13h ngày 23-6 (giờ Bắc Kinh).

Tên lửa đạt độ cao 12km trước khi động cơ trung tâm bắt đầu điều chỉnh lực đẩy để hạ cánh có kiểm soát. Ở độ cao 50m, bốn chân được bung ra, cho phép tên lửa tiếp đất chính xác trên bệ thu hồi dựng sẵn.

SAST cho rằng, cuộc thử nghiệm cất cánh thẳng đứng (VTVL) đã "chứng minh toàn diện" các công nghệ chính, từ tính toàn vẹn cấu trúc của tên lửa, cơ chế đệm cho tới năng lực điều hướng chính xác cao trong quá trình hạ cánh.

Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc thử nghiệm, SAST cũng khẳng định, những tiến bộ lần này sẽ "mở đường cho cuộc thử nghiệm tiếp theo với tên lửa tái sử dụng có đường kính 4m vào năm 2025". Lần thử nghiệm này cũng sẽ gia tăng độ cao VTVL lên mức mới là 70km.

Hiện nay, nhiều công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang nỗ lực cạnh tranh trong lĩnh vực tên lửa tái sử dụng. Một cái tên nổi bật là công ty khởi nghiệp Landspace có trụ sở tại Bắc Kinh. Tên lửa Zhuque-2 của đơn vị này được công nhận là tên lửa sử dụng khí mêtan đầu tiên trên thế giới, được phóng lên quỹ đạo vào năm ngoái.

Mêtan, một thành phần trong khí tự nhiên, hiện được xem là nhiên liệu tên lửa có hiệu quả cao, nhờ đặc tính dễ sản xuất và thân thiện với môi trường hơn so với nhiên liệu truyền thống như dầu hỏa tinh chế.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top