EU ưu tiên phát triển quân sự trong chiến lược giai đoạn 2024-2029

14:27 - Thứ Năm, 27/06/2024 Lượt xem: 3748 In bài viết

Các nhà lãnh đạo của 27 nước EU bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày (27 và 28-6) bằng việc ký một thỏa thuận an ninh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy để thể hiện sự ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 27 và 28-6. Ảnh: Hội đồng Châu Âu

Theo Reuters, tại Hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào 17h chiều 27-6, các nhà lãnh đạo nhắc lại cam kết hỗ trợ Ukraine, nhấn mạnh việc ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Hội nghị cũng sẽ yêu cầu các tổ chức EU nghiên cứu chi tiết về khoản vay 50 tỷ euro dành cho Ukraine trong thời gian tới. Khoản vay này sẽ được thanh toán bằng lợi nhuận tạo ra từ tài sản của Ngân hàng trung ương Nga đang bị phương Tây đóng băng.

Đầu tư vào quốc phòng là một phần trong "chương trình nghị sự chiến lược" của EU mà các nhà lãnh đạo mong muốn đạt được sự thống nhất tại hội nghị. Theo đó, một kế hoạch cụ thể và các mốc lộ trình sẽ được vạch ra trong nhiệm kỳ 2024-2029.

Trước đó, các nhà lãnh đạo EU cũng thúc đẩy kế hoạch tăng cường phối hợp về hệ thống phòng thủ và đầu tư vào các ngành công nghiệp quốc phòng. Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia đã kêu gọi EU xây dựng tuyến phòng thủ dọc biên giới Nga và Belarus để bảo vệ khối này khỏi các mối đe dọa quân sự từ Mátxcơva.

Ngoài quốc phòng, dự thảo chương trình nghị sự chiến lược kêu gọi tăng cường khả năng cạnh tranh của EU để chống chọi tốt hơn với áp lực kinh tế từ Trung Quốc và Mỹ, đồng thời, chuẩn bị cho khối này mở rộng bao gồm Ukraine, Moldova và Tây Balkan.

Về tình hình Trung Đông, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những diễn biến mới nhất và những ưu tiên quan trọng. Trong đó, EU cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza ngay lập tức và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa trong khu vực, đồng thời đạt được nền hòa bình lâu dài, bền vững dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Các nhà lãnh đạo cũng dự kiến ​​sẽ thông qua lộ trình cho việc cải cách nội bộ EU trong tương lai nhằm thực hiện những tham vọng dài hạn và tăng cường năng lực của khối nhằm đối phó những thách thức ngày càng phức tạp.

Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên sẽ đề cử bà Ursula von der Leyen làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ 2 bắt đầu vào tháng 10 tới. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas là người đứng đầu chính sách đối ngoại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top