Nhật Bản bảo vệ tỷ giá đồng yên: Công cốc vì bị động

05:59 - Thứ Bảy, 29/06/2024 Lượt xem: 3998 In bài viết

Thế bị động khiến mọi nỗ lực can thiệp thị trường ngoại hối nhằm bảo vệ tỷ giá đồng yên của Nhật Bản trở thành công cốc. Loại tiền tệ này đã rớt giá xuống mức thấp nhất 38 năm so với đồng USD.

Đồng yên Nhật Bản đang ở mức giá trị thấp kỷ lục. Ảnh: Reuters.

Công cốc vì bị động

Sáng 28-6, đồng yên đã có lúc vượt qua mốc 161 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong hơn 37 năm. Đồng tiền Nhật Bản cũng đã vượt qua ngưỡng 172 yên/euro, mức thấp nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời vào năm 1999. Như vậy, bất chấp mọi nỗ lực cứu vãn tình hình của Tokyo, đồng yên vẫn mất giá khoảng 2% trong tháng 6 và giảm 12% kể từ đầu năm 2024 (so với đồng USD).

Trong khi đó, việc lãi suất ngắn hạn của Fed là 5,25-5,5% và của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) là 0-0,1% đã khiến đồng yên trở thành đồng tiền cấp vốn (funding currency) hấp dẫn trong giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). Nói cách khác, bất kỳ cố gắng nào của Tokyo để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ đều là vô nghĩa chừng nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất cao.

Trạng thái này khiến giới đầu tư toàn cầu cho rằng, đồng yên còn đối mặt xu hướng lao dốc về giá trị chừng nào lãi suất đồng USD còn cao. Trên thị trường tiền tệ toàn cầu với giá trị giao dịch 7,5 nghìn tỷ USD mỗi ngày, sự mất giá liên tục của yên cho thấy ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực tài chính. Dĩ nhiên, chính sách tiền tệ của Mỹ nằm hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của Nhật Bản.

Với thế bị động thấy rõ, đồng tiền Nhật Bản lúc này đã giảm tới giá quá ngưỡng; nhà chức trách Nhật Bản từng can thiệp vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2024 (khi đồng yên quanh quẩn mức 160,245 yên/USD trong ngày 29-4). Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nỗ lực của Tokyo trong việc bán ra hơn 61 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng yên đã “xôi hỏng bỏng không”, với hiệu ứng duy nhất mang lại là hãm tốc độ mất giá.

Đồng yên yếu khiến chi phí sinh hoạt người dân Nhật Bản trở nên đắt đỏ. Ảnh: Reuters.

Mầm mống bất ổn kinh tế

Tỷ giá hiện nay khiến đồng yên trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế và chứng khoán Nhật Bản. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về tác động tiêu cực của đồng yên yếu.

Trước hết, yên yếu gián tiếp làm tăng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình bởi chi phí nhập khẩu tăng cao. Trước đây, ngân hàng JP Morgan từng nhận định, bất kỳ khoản tăng lương nào của người lao động Nhật Bản cũng có thể xóa sạch nếu đồng yên vượt qua ngưỡng 157 yên/USD, và thực tế là mốc này đã bị phá vỡ từ lâu. Chi phí đắt đỏ đồng nghĩa tiêu dùng trong nước - động lực chủ chốt của nền kinh tế Nhật Bản - bị kìm hãm nghiêm trọng.

Thứ đến, trong hoạt động sản xuất, đồng yên yếu cũng đồng nghĩa chi phí nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tăng, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo. Mức thấp cực đoan như hiện nay gây ra áp lực lớn chưa từng có đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của đảo quốc Mặt trời mọc. Theo các chuyên gia kinh tế, mức 150-152 yên/USD được coi là lý tưởng cho các nhà nhập khẩu Nhật Bản.

Thứ ba, các doanh nghiệp gặp khó ở cả đầu vào và đầu ra ngay lập tức tác động lên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuần cuối cùng của tháng 3, khi đồng yên lần đầu giảm xuống mức thấp lịch sử trong năm nay, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 8%. Cổ phiếu của các công ty liên quan đến tiêu dùng nội địa Nhật Bản đều thể hiện hiệu suất kém.

Thử thách chưa dừng lại

Trong cố gắng vãn hồi tình hình, Nhật Bản đã tiến hành nhiều biện pháp sẵn sàng cho giai đoạn ứng phó tiếp theo. Ngay trong ngày 28-6, Bộ Tài chính Nhật Bản đã thông báo Cục trưởng Cục quốc tế của bộ này, ông Atsushi Mimura, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng phụ trách vấn đề tiền tệ quốc tế từ ngày 31-7.

Ngoài ra, ông Hirotsugu Shinkawa (61 tuổi), Cục trưởng Cục Ngân sách cũng sẽ được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Tài chính từ ngày 5-7, thay thế ông Eiji Chatani đương nhiệm.

Với hai lượt "thay tướng", Nhật Bản kỳ vọng những gương mặt mới có thể dẫn dắt các nỗ lực ứng phó hiệu quả hơn, qua đó đảm bảo sự ổn định trên thị trường tiền tệ.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng khẳng định, sẵn sàng có hành động cần thiết đối với thị trường ngoại hối.

"Thuyền trưởng" Atsushi Mimura sẽ phải tìm được cách chèo lái thị trường tiền tệ của Nhật Bản thời gian tới. Ảnh: Nikkei Asia.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, Tokyo sẽ có hành động phù hợp, nhằm ngăn chặn những biến động quá mức hoặc những hoạt động đầu cơ thao túng thị trường một cách thái quá. Tuy nhiên, vị quan chức này không nêu rõ liệu chính phủ sẽ hành động để can thiệp thị trường hay không.

Tuy nhiên, việc ổn định đồng yên chắc chắn là thử thách chưa có hồi kết, nhất là khi Chủ tịch FED Jerome Powell từng tuyên bố "khó có khả năng" cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo.

Trong khi đó, kho dự trữ ngoại hối của Chính phủ Nhật Bản là có hạn và không thể liên tục chi những khoản khổng lồ để vãn hồi tỷ giá. Một số ước tính cho thấy, Tokyo có khoảng 1.300 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhưng chỉ có khoảng 155 tỷ USD tiền gửi bằng USD là có thanh khoản.

Trong bối cảnh như vậy, "liều thuốc" nào có thể giúp Nhật Bản vượt qua khó khăn vẫn là dấu hỏi lớn. Một số ý kiến cho rằng, Tokyo trước mắt cần chấm dứt tình trạng đầu cơ một chiều với đồng yên, trước khi có thể tính đến chuyện kiểm soát tỷ giá một cách hiệu quả.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top