Kinh tế thế giới: Lạc quan trong thận trọng

08:22 - Thứ Tư, 03/07/2024 Lượt xem: 3633 In bài viết

Nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định khi bước vào nửa sau năm 2024 dẫn đến tâm lý lạc quan trong giới đầu tư. Tuy nhiên, những biến động và bất ổn địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi sự thận trọng và sẵn sàng ứng phó với mọi rủi ro có thể xảy đến.

Xung đột và những bất ổn địa chính trị đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường với kinh tế toàn cầu. Ảnh: The New York Times

Tín hiệu tích cực với nền kinh tế toàn cầu thể hiện rõ nét qua những dự báo điều chỉnh mà các tổ chức quốc tế đưa ra sau nửa đầu năm 2024. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức lạc quan là 2,6%, cao hơn 0,2% so với ngưỡng hồi đầu năm. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn con số 2,7% mà Liên hợp quốc đưa ra. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “duy trì ở tốc độ ổn định”. Theo các chuyên gia kinh tế, đà phát triển của kinh tế toàn cầu trong năm nay đến từ hầu hết các nền kinh tế lớn.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, được WB dự báo tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng 0,9% so với dự báo hồi tháng 1-2024. Nguyên nhân của điều chỉnh tích cực này chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, cùng với giảm nhập khẩu.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn 0,3% so với dự báo tháng 1-2024, với động lực chính đến từ hiệu quả của chiến lược tăng trưởng tập trung vào xuất khẩu và sản xuất thời kỳ sau đại dịch Covid-19. Thực tế, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và sản xuất chế tạo đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn đầu năm.

Còn nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong năm nay sẽ “hạ cánh mềm” với mức tăng trưởng khoảng 4%, cao hơn chút ít so với các dự báo hồi đầu năm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, tốc độ tăng trưởng có thể không đồng đều và khó trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong ngắn hạn. Những rủi ro chủ đạo là lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và tranh chấp thương mại.

Trước hết, lãi suất trên toàn thế giới được dự báo vẫn ở mức cao, tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế. Nhà kinh tế hàng đầu của WB Ayhan Kose nhận định, lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, dẫn đến mức tăng trưởng yếu hơn tại các nền kinh tế đang phát triển. Trong bối cảnh đó, triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới được đánh giá là "đáng lo ngại" khi phải đối mặt với các mức nợ quá cao, khả năng thương mại bị hạn chế và các hiện tượng khí hậu gây thiệt hại nặng nề.

Thứ đến, những diễn biến chính trị cũng sẽ tác động đến tăng trưởng toàn cầu. Hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay đều tiềm ẩn khả năng dẫn đến thay đổi lớn tại một số nền kinh tế chủ chốt, trong đó có cả Mỹ, Pháp và Anh. Xung đột leo thang tại các điểm nóng luôn tạo ra những tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng Nga - Ukraine hay xung đột Hamas - Israel nếu diễn biến tiêu cực, đều có thể khiến giá dầu mỏ và chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao, cản trở tăng trưởng kinh tế. Khảo sát mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới ghi nhận, gần như tất cả những người được hỏi (97%) đều dự đoán địa chính trị quốc tế sẽ gây ra biến động kinh tế toàn cầu trong suốt năm 2024, mức này tăng đáng kể so với con số 90% được ghi nhận hồi tháng 9-2023.

Thứ ba, căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa một số nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới sẽ tạo ra những hàng rào vô hình, làm trì trệ các hoạt động thương mại. Một biểu hiện điển hình là mới đây Mỹ đã cùng Liên minh châu Âu (EU) áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia, nếu các diễn biến tương tự leo thang sẽ dẫn đến bất ổn tăng cao trong chính sách thương mại. Xu hướng ngày càng phổ biến các chính sách hướng nội, mang đậm tính bảo hộ, có thể ảnh hưởng đến triển vọng thương mại và hoạt động kinh tế toàn cầu.

Dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn “vô lo”, đồng nghĩa tâm lý lạc quan vẫn cần được song hành với sự thận trọng. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải kịp thời nắm bắt những biến động có thể xảy ra, từ đó có được đối sách phù hợp, bảo đảm quỹ đạo tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top