Gần 60% hộ gia đình Nhật Bản đối mặt điều kiện sống khó khăn

05:47 - Chủ Nhật, 07/07/2024 Lượt xem: 3643 In bài viết

Tỷ lệ hộ gia đình tại Nhật Bản có điều kiện sinh sống khó khăn đã tăng 8,3%, lên mức 59,6% ở năm 2023.

Ảnh minh họa: Getty Images

Khảo sát mới nhất do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện cho thấy, trong số những người tham gia cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất về điều kiện sống, 26,5% đưa ra câu trả lời “rất khó khăn” và 33,1% đánh giá “khá khó khăn”. Theo loại hộ gia đình, 59% hộ có người cao tuổi và 65% hộ có trẻ em trả lời rằng điều kiện sống của họ khó khăn. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ tình trạng giá cả tăng cao.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, thu nhập trung bình hằng năm của mỗi hộ gia đình đã giảm 215.000 yên (tương đương mức giảm 3,9%) so với năm 2022, xuống còn 5.242.000 yên.

Mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình cao tuổi là 3.049.000 yên, giảm 134.000 yên. Trong khi đó, các hộ gia đình có trẻ em ghi nhận mức tăng 276.000 yên, lên 8.126.000 yên. Tỷ lệ bà mẹ đi làm ngày càng tăng dường như là yếu tố thúc đẩy mức thu nhập trung bình này.

Trong các gia đình có con, những bà mẹ có việc làm chiếm 77,8%, đạt mức cao kỷ lục. Tỷ lệ nhân viên toàn thời gian trong số những bà mẹ đi làm cũng ở mức kỷ lục 32,4%.

Theo Tân Hoa xã, Nhật Bản ghi nhận kỷ lục ​​số lượng người sống một mình ở năm 2023. Tính đến tháng 6-2023, số hộ gia đình một người tại quốc gia châu Á này là 18,5 triệu, chiếm 34% tổng số hộ gia đình. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1986.

Trong số những người sống một mình, số người cao tuổi lên tới 8,55 triệu người, mức cao thứ hai từng được thống kê.

Ngược lại,số hộ gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa kết hôn là 9,83 triệu, mức thấp nhất mọi thời đại, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức của tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho rằng, xu hướng này xuất phát từ cơ cấu dân số già hóa và tỷ lệ người chưa kết hôn ngày càng tăng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top