Mỹ và các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gửi cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không trong những tháng tới, bao gồm ít nhất 5 hệ thống Patriot mà Kiev đang kêu gọi để chống lại những bước tiến của quân đội Nga.
Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc tại Washington (Mỹ). Ảnh: US News.
Trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington sáng 10-7 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo “Hôm nay tôi thông báo khoản tài trợ mang tính lịch sử. Đó là thiết bị phòng không cho Ukraine. Mỹ, Đức, Hà Lan, Romania và Italia sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị cho 5 hệ thống phòng không chiến lược bổ sung cùng hàng trăm loại đạn dược”.
Theo tuyên bố chung đưa ra sau đó, Mỹ, Đức và Romania sẽ gửi thêm 4 khẩu đội Patriot cho Ukraine, trong khi Hà Lan và các nước khác sẽ cung cấp các bộ phận của Patriot để tạo thành một khẩu đội khác. Italia sẽ cung cấp hệ thống phòng không SAMP-T. Các đồng minh khác bao gồm Canada, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh, sẽ cung cấp một số hệ thống phòng không giúp Ukraine mở rộng phạm vi phủ sóng bao gồm NASAMS, HAWK, IRIS T-SLM, IRIS T-SLS và Gepards.
Trước đó trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rõ rằng, phòng không vẫn là yêu cầu chính của đất nước và ông đã nhiều lần yêu cầu có thêm hệ thống Patriot để chống lại các cuộc tấn công của Nga bằng bom lượn hủy diệt.
“Chúng tôi cũng đang nỗ lực để có thêm nhiều máy bay, bao gồm cả F-16. Ngoài ra, chúng tôi đang thúc đẩy việc tăng cường đảm bảo an ninh cho Ukraine, bao gồm vũ khí, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ chính trị”, Tổng thống Ukraine nói.
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg thông báo rằng liên minh quân sự đã ký một hợp đồng trị giá gần 700 triệu USD để yêu cầu các nước thành viên sản xuất thêm tên lửa Stinger và tăng cường khả năng phòng thủ.
“Không có cách nào để cung cấp khả năng phòng thủ vững chắc nếu không có ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ”, ông Jens Stoltenberg nói.
Stinger là hệ thống phòng không di động có thể được quân đội mang theo hoặc gắn trên các phương tiện làm hệ thống phòng thủ tầm ngắn chống lại máy bay.
Hệ thống do Raytheon sản xuất là một trong những vũ khí đầu tiên mà Mỹ chuyển đến Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Các nước đồng minh khác cũng đã rút tên lửa Stinger trong kho dự trữ vũ khí để hổ trợ Ukraine. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Mỹ và châu Âu đều không thể sản xuất ở mức đủ để đáp ứng một cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết, Nga hiện đang chi khoảng 7% đến 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Estonia đang chi hơn 3% GDP cho quốc phòng nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để bổ sung thêm vào kho dự trữ của mình. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết nước ông sẽ cam kết dành ít nhất 4% GDP cho quốc phòng trong năm nay.
Dự kiến 23/32 quốc gia thành viên NATO sẽ đáp ứng cam kết 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay.