Gia tăng dân số già tại Hàn Quốc: Nhiều thách thức cần sớm giải quyết

16:07 - Thứ Sáu, 19/07/2024 Lượt xem: 3804 In bài viết

Lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ lệ có việc làm ở những người từ 70 tuổi trở lên tại Hàn Quốc vượt quá 30%.

Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi Cục Thống kê nước này bắt đầu tổng hợp dữ liệu việc làm theo nhóm tuổi vào năm 2018. Tình trạng dân số già ngày càng gia tăng đang khiến Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức cần sớm giải quyết.

Báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 15-7 cho thấy, số người có việc làm trong nhóm 70 tuổi trở lên đạt 1,925 triệu, tăng 150.000 người so với năm trước - mức tăng lớn nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Tiếp theo là nhóm lao động ở độ tuổi 60, tăng 132.000 người, nhóm 50 tuổi tăng 43.000 người. Trong khi đó, số người có việc làm dưới 30 tuổi lại giảm 115.000 người và lao động ở độ tuổi 40 giảm 82.000 người.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tốc độ già hóa dân số đang gia tăng một cách đáng lo ngại tại xứ sở Kim chi. Nhiều chuyên gia cho rằng, kỷ nguyên già hóa và suy giảm dân số tại Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu. Theo dự báo, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, người cao tuổi có thể sẽ vượt quá 30% vào năm 2035 và đạt 40% vào năm 2050.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc là do một số yếu tố bao gồm môi trường xã hội đầy thách thức, gây khó khăn cho việc cân bằng giữa công việc và gia đình, bất bình đẳng kinh tế - xã hội và sự tập trung tỷ lệ sinh ở các khu vực đô thị. Giống như tại bất cứ quốc gia nào, sự thay đổi nhân khẩu học theo hướng già hóa dân số sẽ gây ra không ít thách thức đối với xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là quá trình phát triển kinh tế trong dài hạn. Tình trạng suy giảm nguồn nhân lực trẻ và năng suất lao động, đòi hỏi đầu tư, chi tiêu xã hội nhiều hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và những vấn đề về kinh tế - xã hội khác.

Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, khi dân số già tăng lên và số người hưởng lợi từ quỹ lương hưu quốc gia nhiều hơn số người đóng góp vào quỹ, quỹ lương hưu quốc gia Hàn Quốc có thể sẽ chạm đáy vào năm 2055.

OECD nhấn mạnh rằng, không có giải pháp duy nhất cho vấn đề dân số và kêu gọi các chính sách toàn diện.

Thứ nhất, nỗ lực xây dựng các kế hoạch cơ bản nhằm thúc đẩy sinh con và hỗ trợ mức sống cho người cao tuổi.

Thứ hai, cần thúc đẩy chính sách tăng trưởng kinh tế dài hạn, khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp, tập trung vào thực hiện các biện pháp nhằm tác động đến các yếu tố quyết định tăng năng suất lao động. Đặc biệt, các nhà quản lý cần chú trọng tăng cường tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ, thanh niên và người già thông qua các chính sách mới hoặc cải thiện hệ thống sẵn có.

Thứ ba, triển khai các chính sách phúc lợi cho một xã hội già hóa dân số giúp bảo đảm thu nhập hưu trí, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực là phụ nữ, người trung niên và người nước ngoài.

Trong 16 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi 280.000 tỷ won (tương đương 202,82 tỷ USD) ngân sách để cải thiện tình trạng dân số già, nhưng tỷ lệ sinh hằng năm tiếp tục giảm.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số, đồng thời cam kết sẽ khởi động hệ thống đối phó tổng lực toàn quốc để cải thiện tỷ lệ sinh siêu thấp. Hàn Quốc cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển quốc gia trung và dài hạn về dân số, trong đó có tổng hợp các chính sách về tỷ lệ sinh thấp, xã hội già hóa và chính sách nhập cư.

Trước mắt, Chính phủ sẽ nâng trợ cấp nghỉ làm chăm sóc con nhỏ, đặc biệt là nâng hạn mức hỗ trợ 3 tháng đầu lên 2,5 triệu won (tương đương 1.810 USD)/tháng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ cho phép kéo dài thời gian nghỉ làm cho người bố khi vợ sinh con từ 10 ngày lên 20 ngày.

Hàn Quốc kỳ vọng, những chính sách mạnh mẽ này có thể giúp trẻ hóa nguồn nhân lực đất nước trong những thập kỷ tới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top