“Chương mới” trong quan hệ Anh - EU

08:52 - Thứ Hai, 22/07/2024 Lượt xem: 3212 In bài viết

Không lâu sau khi Công đảng lên nắm quyền, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã gửi thông điệp đến thế giới: "Chúng tôi đã trở lại". Người đứng đầu "Xứ sở sương mù" mong muốn London đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Và, Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) vừa diễn ra tại Cung điện Blenheim là cơ hội để Vương quốc Anh hàn gắn mối quan hệ với các nước láng giềng, vốn đã trở nên căng thẳng kể từ khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2020.

Thủ tướng Keir Starmer đã tiếp đón 45 nhà lãnh đạo châu Âu đến dự EPC cuối tuần qua. Phát biểu bên thềm hội nghị, Thủ tướng Anh nhận định, EPC sẽ là khởi đầu cho cách tiếp cận mới của Chính phủ Anh đối với EU, đem đến lợi ích cho cả hiện tại lẫn tương lai. "Đây là cơ hội tốt để bắt đầu thay đổi mối quan hệ Anh - EU. Trước tiên là sự thay đổi giọng điệu theo hướng tương tác mang tính xây dựng hơn sau giai đoạn có tâm lý đối kháng trong thời đại của đảng Bảo thủ”, nghiên cứu viên tại Trường Kinh tế London Iain Begg nói với Euronews. Về phía EU, những nỗ lực của London nhằm thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ được coi là "một dấu hiệu tích cực". "Chúng tôi hoàn toàn mở lòng để xem xét những gì có thể đạt được", một quan chức cấp cao EU cho biết.

Sau hội nghị EPC, Nick Thomas-Symonds, Bộ trưởng Quan hệ châu Âu của Thủ tướng Keir Starmer xác nhận rằng, London đang tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Anh và EU để giúp hoàn thiện quan hệ đối tác mới, đồng thời cho biết hai bên sẽ "đặt nền móng cho việc này vào mùa thu".

Kể từ khi Brexit có hiệu lực vào tháng 1-2020, các mối liên hệ chính thức giữa London và Brussels đã suy yếu - ngoại trừ những cuộc họp cấp chính thức để thảo luận về các khía cạnh của thỏa thuận thương mại Anh - EU. Bộ trưởng Nick Thomas-Symonds cho biết, việc bắt đầu lại một cuộc đối thoại thường xuyên là vì lợi ích của châu Âu. Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Anh và EU kể từ sau Brexit cũng đang được lên kế hoạch để chính thức hóa quan hệ đối tác mới và các quan chức cho rằng, đầu năm 2025 là thời điểm thuận lợi nhất, bởi Ủy ban châu Âu cần có thời gian để ổn định.

Chính phủ mới của Anh lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu, năng suất kém, đầu tư thấp, nợ công và thuế cao kỷ lục, trong khi mức sống giảm mạnh. Giá thực phẩm, nhà ở, năng lượng tăng vọt góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, cùng với đó, các dịch vụ công từ y tế, giáo dục đến hệ thống tư pháp đang đối mặt với nhiều thách thức. Cả gánh nặng thuế và tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đều ở mức cao chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến thứ hai. Brexit đã cắt giảm tới 3% GDP của Vương quốc Anh cho đến nay. Một báo cáo hồi tháng 1 của các nhà kinh tế tại Cambridge Econometrics đã kết luận rằng, Brexit sẽ khiến nền kinh tế Anh mất 3 triệu việc làm vào năm 2035.

Thủ tướng Keir Starmer đã cam kết thoát khỏi vòng luẩn quẩn này bằng cách "khởi động tăng trưởng kinh tế", với đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng. Và những gì diễn ra trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự trong nước, do đó, Công đảng cầm quyền đang tìm cách xích lại gần EU.

Ông Nick Thomas-Symonds cho biết, Chính phủ Anh đã nêu ra một số mục tiêu cho mối quan hệ mới, như tìm kiếm một hiệp ước an ninh mới bao gồm quốc phòng, di cư và năng lượng. Công đảng cũng có những đề xuất cụ thể nhằm xóa bỏ rào cản thương mại của Brexit, bao gồm các lĩnh vực như thương mại nông nghiệp, trình độ chuyên môn và thị thực cho nghệ sĩ lưu diễn. Các nhà quan sát nhận định, những động thái này sẽ giúp xây dựng lại lòng tin với châu Âu, điều này rất cần thiết nếu Công đảng muốn nới lỏng một số hạn chế của Brexit đã gây tổn hại đến hoạt động thương mại của Anh với EU.

Thủ tướng Keir Starmer muốn giảm bớt một số rào cản hậu Brexit đối với con người và hàng hóa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sẽ không đảo ngược Brexit hoặc tái gia nhập thị trường chung và liên minh thuế quan của EU. Những người chỉ trích cho rằng đây là sự thiếu nguyên tắc, nhưng những người ủng hộ lại tôn trọng mong muốn của người Anh là không khơi lại cuộc tranh luận Brexit gây chia rẽ.

Dù còn có những lập trường trái chiều về Brexit, Công đảng vẫn được coi là thân thiện hơn với EU so với đảng Bảo thủ. Luigi Scazzieri, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Cải cách châu Âu nhận định, bất kỳ sự ấm lên nào trong quan hệ cũng sẽ truyền đến những thông điệp mới. Như Thủ tướng Keir Starmer, người đã dẫn dắt Công đảng giành chiến thắng áp đảo trước đảng Bảo thủ vào ngày 4-7, nhấn mạnh, Hội nghị Thượng đỉnh EPC là phát súng khởi đầu cho cách tiếp cận mới của Chính phủ Anh đối với châu Âu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top