Xung đột leo thang tại Trung Đông: Nguy cơ chiến tranh toàn diện

08:50 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 3174 In bài viết

Chỉ trong ít ngày, hàng loạt "động thái nóng” khiến Trung Đông trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, với lo ngại thường trực và ngày càng tăng rằng cuộc xung đột sẽ lan rộng, thậm chí trở thành cuộc chiến tranh toàn diện.

Rocket do Hezbollah phóng về phía Israel. Ảnh: NDTV

Nguy cơ leo thang quân sự tại Trung Đông hiển hiện sau khi thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran (Iran) bởi một đầu đạn tầm ngắn. Hamas và Iran đều cáo buộc Israel sát hại ông Ismail Haniyeh, còn Tel Aviv không nhận trách nhiệm nhưng cũng không phủ nhận. Vụ việc này diễn ra chỉ vài giờ sau khi một chỉ huy quân sự của Hezbollah là ông Fuad Shukr thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Beirut (Lebanon) nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa vào cao nguyên Golan hồi tuần trước.

Theo giới quan sát, sự ra đi của hàng loạt nhân vật chính trị cấp cao chắc chắn sẽ cản trở các nỗ lực trung gian đàm phán tìm kiếm giải pháp ngừng bắn. Bản thân ông Ismail Haniyeh dù đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn và có 3 người con trai thiệt mạng trong các vụ tấn công của Israel tại Gaza, nhưng được xem là một nhà lãnh đạo với “cái đầu lạnh” và thực dụng so với các thủ lĩnh khác của Hamas. Ông luôn sẵn sàng tham gia nhiều hoạt động ngoại giao con thoi trong khu vực nhằm thúc đẩy đàm phán ngừng bắn. Với Hezbollah, cái chết của chỉ huy quân sự cấp cao nhất Fuad Shukr đồng nghĩa lực lượng này sẵn sàng bước vào con đường chiến tranh. Xu hướng căng thẳng cũng hiển hiện tại những nơi khác ở Trung Đông. Các lực lượng Hamas ở Gaza, thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), Houthis ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon và các nhóm kháng chiến ở Iraq mới đây đã tham gia một cuộc họp ở Tehran, nhằm thảo luận biện pháp trả đũa Israel. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố "bổn phận" của Iran là phải trả thù vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, trong khi thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cũng tuyên bố các vụ ám sát gần đây đã vượt qua "lằn ranh đỏ", đồng nghĩa cuộc chiến giữa hai bên bước sang giai đoạn mới. Hamas cũng đã kêu gọi người dân ở các vùng lãnh thổ của Palestine tham gia “ngày thịnh nộ” chống Israel.

Về phần mình, Israel thông báo đã chuẩn bị cho "kịch bản chiến sự từ mọi hướng", cả về phòng thủ lẫn tấn công. Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu khẳng định, Tel Aviv sẽ buộc bất kỳ hành động gây hấn nào phải trả giá đắt. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thậm chí đe dọa, nếu chiến tranh nổ ra, Lebanon có thể “quay về thời kỳ đồ đá”. Mỹ đã bổ sung thêm máy bay và tàu khu trục có khả năng bắn hạ tên lửa, điều động tàu tấn công đổ bộ đa năng USS Wasp và Nhóm sẵn sàng đổ bộ (ARG) tới gần Lebanon để hỗ trợ đồng minh. Các nhóm tác chiến này cũng có nhiệm vụ sẵn sàng di tản công dân Mỹ trong trường hợp chiến tranh lan rộng. Việc tăng cường hiện diện quân sự diễn ra bất chấp những chỉ trích có thể làm gia tăng phức tạp, là không nên bởi Washington vốn cũng thường xuyên lên tiếng kêu gọi xuống thang căng thẳng.

Những diễn biến trên “đổ dầu vào lửa” trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas gần 10 tháng qua chưa hề ngơi tiếng súng. Bạo lực khiến hơn 40.000 người thiệt mạng ở Dải Gaza và 1.400 người thiệt mạng ở Israel. Giao tranh hiện diễn ra thường nhật giữa Israel và Hezbollah, đã cướp đi sinh mạng của 530 người tại Lebanon và 47 người tại Israel.

Ngày 4-8 (giờ Việt Nam), lực lượng hai bên vẫn tiếp tục giao chiến xuyên đêm, với rocket liên tục bay từ khu vực Marjayoun (phía Nam Lebanon) sang vùng Beit Hillei phía Bắc Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng đã có những động thái không kích đáp trả, nhằm vào một số mục tiêu ở Tayr Harfa, Kafr Kila và Rab El Thalathine (phía Nam Lebanon).

Tuy nhiên, bất chấp những phát ngôn cứng rắn, vẫn có những tia sáng khiến người ta kỳ vọng vào việc các bên chưa muốn kích hoạt một cuộc đối đầu toàn diện. Bản thân Israel đang phải căng mình với bất ổn trong nước, phải dàn trải các nguồn lực, nên việc sa lầy vào chiến tranh sẽ dẫn tới nhiều kịch bản bất ổn khó lường. Iran và Hezbollah đều có những khó khăn nội bộ cần tập trung giải quyết, nhất là Hezbollah sẽ phải đối mặt nguy cơ mất quyền lực tại Lebanon nếu chiến tranh nổ ra. Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhận định, chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tiến trình đàm phán tìm kiếm lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, đồng thời bày tỏ tin tưởng “thỏa thuận trên bàn đàm phán đáng để theo đuổi".

Nhìn chung, giờ là lúc các bên liên quan cần phải dồn lực cho cuộc chạy đua ngoại giao, sử dụng mọi công cụ cần thiết nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu trực diện trên trận địa giữa Israel với Hamas và Hezbollah. Xung đột này nếu lan rộng chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Đông, biến khu vực này thành một “lò lửa” thực sự.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top