Chính phủ lâm thời Bangladesh chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức

14:53 - Thứ Năm, 08/08/2024 Lượt xem: 3116 In bài viết

Ngày 8-8, ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, nhà kinh tế từng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006, đã trở về nước để lãnh đạo chính phủ lâm thời tại Bangladesh.

Nhà kinh tế học Muhammad Yunus tại sân bay Charles de Gaulle (Pháp) trước khi lên đường về nước. Ảnh: Reuters.

Chính phủ lâm thời Bangladesh sẽ làm lễ tuyên thệ vào cuối ngày 8-8. Theo Tổng tư lệnh quân đội - Tướng Waker-Uz-Zaman, tình hình trong nước đang được cải thiện và dự kiến sẽ trở lại bình thường trong 3-4 ngày tới. Ông tin tưởng rằng, nhà kinh tế học Muhammad Yunus có thể đưa đất nước tiến tới một tiến trình dân chủ.

Ông Muhammad Yunus được Tổng thống Mohammed Shahabuddin lựa chọn thay thế Thủ tướng Sheikh Hasina theo đề nghị của các nhóm sinh viên biểu tình. Năm 2006, ông đã được trao Giải Nobel Hòa bình vì đã thành lập một ngân hàng tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo bằng các khoản vay nhỏ cho dân thường.

Trước khi rời Paris (Pháp) về nước, phát biểu với các phóng viên, ông Muhammad Yunus kêu gọi người dân Bangladesh bình tĩnh, kiềm chế mọi hình thức bạo lực.

Ngày 8-8, Thủ đô Dhaka đã ổn định trở lại sau làn sóng bạo lực bao trùm đất nước. Các nhà hoạt động sinh viên đã dọn dẹp đường phố và quản lý giao thông ở một số khu vực.

Hiện, các nhà lãnh đạo quân sự đang thảo luận với các nhà lãnh đạo sinh viên, đảng phái chính trị và Tổng thống Mohammed Shahabuddin để lên kế hoạch hoạt động của chính phủ lâm thời mới.

Tổng thống Shahabuddin cũng tuyên bố bổ nhiệm cảnh sát trưởng mới, ông Mohammad Mainul Islam, để thay thế ông Chowdhury Abdullah Al Mamun như một phần của cuộc cải tổ bộ máy an ninh cấp cao, bao gồm cả vị trí đứng đầu của cơ quan giám sát tình báo kỹ thuật và những chức vụ khác trong quân đội. Ông cũng đã yêu cầu lực lượng an ninh phải có biện pháp nghiêm khắc đối với bất kỳ đối tượng gây rối nào.

Theo Tổng thống Mohammed Shahabuddin, sau khi tuyên thệ, chính phủ lâm thời cần sớm được hoàn thiện để vượt qua cuộc khủng hoảng và mở đường cho các cuộc bầu cử.

Bangladesh đã chứng kiến hơn 20 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính kể từ khi giành được độc lập khỏi Pakistan vào năm 1971. Nhiều người lo ngại rằng sự kiện lần này có thể gây ra nhiều bất ổn hơn nữa cho quốc gia 170 triệu dân, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao, tham nhũng và mối quan hệ chiến lược phức tạp với Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top