Lạm phát tại Australia: Còn nhiều yếu tố đáng lo ngại

07:12 - Chủ Nhật, 11/08/2024 Lượt xem: 3761 In bài viết

Dù đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, song tỷ lệ lạm phát tại Australia vẫn mức 3,8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 2%-3%.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Michele Bullock không loại trừ khả năng sẽ tăng lãi suất một lần nữa để kiểm soát tốc độ gia tăng liên tục giá cả hàng hóa. Đây là một động thái khiến không ít doanh nghiệp và nhà đầu tư lo ngại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Australia tăng 3,8%. Ảnh: THX

Trong bài phát biểu tại thị trấn Armidale, bang New South Wales, Thống đốc RBA Michele Bullock cho biết, động lực của nền kinh tế nước này suy yếu khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Khoảng cách giữa cầu và cung lớn hơn so với dự đoán dẫn đến tình trạng lạm phát dai dẳng. Việc đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%-3% sẽ diễn ra lâu hơn dự kiến.

Theo thông báo của Cục thống kê Australia, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này đã tăng lên 3,8% trong quý III-2024. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng kể từ tháng 12-2022. Các mặt hàng có giá cả leo thang nhiều nhất trong danh sách được ghi nhận gồm thuốc lá, nhiên liệu ô tô, trái cây... Lạm phát dịch vụ hằng năm tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá thuê nhà và bảo hiểm tăng cao. Với tỷ lệ nhà trống ở mức thấp kỷ lục tại hầu hết 8 thành phố lớn, không ngạc nhiên khi mức giá nhà cho thuê vẫn tăng ở mức 7,3%.

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, Australia sẽ mất nhiều thập kỷ mới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà ở do thiếu nguồn cung trầm trọng. Tình trạng giá nhà ở vượt quá khả năng chi trả của số đông người dân diễn ra phổ biến tại nước này. Viện Nghiên cứu đô thị và nhà ở Australia cho biết, khoảng 38% người sinh từ năm 1987 đến năm 1991 sở hữu một ngôi nhà, thấp hơn mức 58% của nhóm người sinh từ năm 1947 đến năm 1951, giai đoạn bắt đầu bùng nổ dân số. Cuộc khủng hoảng giá thuê nhà diễn ra nghiêm trọng nhất ở các bang New South Wales, Tasmania và Queensland. Chỉ có 39% số nhà cho thuê được coi là có giá phải chăng để một người có thu nhập trung bình là 111.000 AUD/năm (tương đương 73.400 USD/năm) có thể chi trả, với điều kiện họ dành 25% thu nhập cho nhà ở. Với những người thuộc nhóm thu nhập thấp hơn, 49.000 AUD/năm (32.400 USD/năm), việc tìm được nhà cho thuê với giá phải chăng là điều gần như không thể.

Trong cuộc họp hội đồng quản trị mới đây, RBA đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,35% để giảm áp lực cho các nhà đầu tư và cân bằng nền kinh tế. Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát không dễ dàng khi nhu cầu vẫn đang tăng cao và lương tiếp tục tăng.

Trong tuần qua, Thủ tướng nước này Anthony Albanese đã bảo vệ các hành động của chính phủ, bao gồm kế hoạch tăng lương 15% cho nhân viên giáo dục. Nhiều chỉ trích đổ lỗi cho việc gia tăng chi tiêu công là một nguyên nhân thúc đẩy lạm phát. RBA cũng cho biết, ngoài những thách thức nêu trên, nhiều yếu tố từ nước ngoài như cạnh tranh địa chính trị và xung đột lan rộng, chính sách tiền tệ của các nước cũng là những vấn đề mà Australia không kiểm soát được nhưng lại tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước này.

Quyết định giữ nguyên lãi suất đã phần nào trấn an người dân, đặc biệt là những người vay tiền ngân hàng để mua nhà và các doanh nghiệp. Thế nhưng, các nhà lãnh đạo RBA cũng không loại trừ khả năng sẽ tăng lãi suất trong lần họp tiếp theo, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9-2024. Trong một thông báo gần đây, RBA cho rằng, lạm phát tại nước này sẽ về mức mục tiêu chậm hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 5-2024. Dự kiến cuối năm 2025 hoặc đến giữa năm 2026 lạm phát mới có thể ở mức trung bình của mục tiêu đề ra. Bởi vậy, Thống đốc Michele Bullock khẳng định, RBA sẽ không ngần ngại sử dụng biện pháp cứng rắn là tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Theo nhận định của các nhà chiến lược, những thách thức đối với nền kinh tế của Australia có thể sẽ tiếp tục nổi lên trong thời gian tới do ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị toàn cầu. Cho đến khi chính phủ đưa ra được các giải pháp tập trung vào thay đổi cấu trúc nền kinh tế một cách bền vững thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), cải thiện cơ sở hạ tầng…, nhiều yếu tố rủi ro sẽ bị loại trừ và thị trường sẽ dần bình ổn trở lại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top