Xung đột leo thang ở Trung Đông: Áp lực không chỉ đối với giá dầu

14:34 - Thứ Năm, 15/08/2024 Lượt xem: 3551 In bài viết

Căng thẳng leo thang ở Trung Đông cùng với cuộc xung đột đang diễn ra giữa Ukraine và Nga đã khiến giá dầu thô tăng ngày thứ sáu liên tiếp, lên trên mức 80 USD/thùng.

Mối lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu ngày càng gia tăng khi Iran có thể tiến hành hoạt động quân sự để trả đũa Israel sau vụ ám sát các đồng minh trong khu vực của Tehran. Các động thái này đã và đang gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng leo thang ở Trung Đông là nhân tố tác động tới đà tăng của giá dầu. Ảnh: Reuters

Giá dầu tăng nhanh bởi nhiều yếu tố. Trước hết, dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ đã phần nào làm dịu nỗi lo suy thoái, đồng thời báo hiệu nhu cầu về các nguồn năng lượng tăng cao. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,13% và Nasdaq Composite tăng 0,51%, phản ánh sự phục hồi chung của thị trường.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ám chỉ đến khả năng cắt giảm lãi suất, tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, tác động nhiều nhất tới thị trường năng lượng chính là tình hình địa chính trị ở Trung Đông.

Các vụ ám sát những nhà lãnh đạo của Hamas và Hezbollah cùng phản ứng từ Iran và Israel đã gây ra một làn sóng căng thẳng mới trong khu vực. Cuộc tấn công Dải Gaza của Israel ngày 10-8 với nhiều thương vong dẫn đến phản ứng của Iran và rất có thể sẽ gây ra một đợt tăng giá dầu khác.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến thị trường là sự gia tăng hoạt động khoan dầu tại Mỹ. Theo dữ liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan đang hoạt động đã tăng, cho thấy sự ổn định và thậm chí có thể tăng trưởng sản xuất dầu khí trong tương lai gần. Tuy nhiên, yếu tố này vẫn chưa có tác động đáng kể đến thị trường.

Trong khi đó, theo quy luật, đồng USD tiếp tục mạnh lên thường dẫn đến giá dầu và các mặt hàng khác giảm. Nhưng lần này thì khác, chỉ số đồng USD tăng, giá dầu và khí đốt lại tiếp tục tăng. Nguyên nhân có thể là do sự tăng trưởng của đồng USD hiện đang xảy ra bởi kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về những diễn biến trong tương lai, khiến dầu khí trở thành tài sản hấp dẫn để phòng ngừa rủi ro.

Thời gian tới, sự chú ý toàn cầu sẽ tập trung vào tình hình chính trị ở Trung Đông và các hành động trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Bất kỳ sự kiện quan trọng nào trong các khu vực này đều có thể trở thành chất xúc tác cho sự biến động kinh tế.

Nếu căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục leo thang, đặc biệt là khi Iran có hành động trả đũa cho vụ ám sát các nhà lãnh đạo Hamas và Hezbollah, thị trường dầu mỏ có thể phải đối mặt với những đợt tăng giá thậm chí còn mạnh hơn. Đó sẽ là áp lực lớn lên nền kinh tế toàn cầu, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, dẫn đến lạm phát cao hơn.

Giá dầu và khí đốt tăng cao cũng có thể tạo ra gánh nặng bổ sung cho các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Do đó, nhiều nền kinh tế đang phát triển, vốn đang phải vật lộn với lạm phát và chi phí vay tăng cao, có thể đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính. Trong đó các quốc gia có mức nợ công cao và thâm hụt cán cân thanh toán sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, nếu Fed thực sự hạ lãi suất như một số chuyên gia dự đoán có thể dẫn đến đồng USD suy yếu và nhu cầu đối với các mặt hàng như dầu và vàng sẽ tăng lên. Đồng USD yếu hơn có nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trong chính nước Mỹ, dẫn đến suy thoái và gia tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh này, thị trường tài chính sẽ xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, có khả năng làm suy giảm giá trị cổ phiếu và các tài sản khác. Các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn có thể chuyển tiền của họ vào các tài sản ổn định hơn, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ và kim loại quý. Điều này có thể làm giảm thanh khoản thị trường và gia tăng sự biến động.

Cuối cùng, nếu căng thẳng địa chính trị vượt khỏi tầm kiểm soát và giá năng lượng tiếp tục tăng sẽ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, ảnh hưởng đến tất cả các nước đang phát triển và phát triển. Một thế giới vốn đã suy yếu do đại dịch Covid-19 và mất cân bằng kinh tế có thể phải đối mặt với những thách thức mới, đòi hỏi phải có hành động phối hợp của quốc tế.

Tình hình hiện tại trên thị trường dầu mỏ không chỉ là một hiện tượng tạm thời mà là sự kết hợp có khả năng bùng nổ của các yếu tố kinh tế và chính trị, có thể định hình lại bối cảnh kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top