WHO cảnh báo dịch tả lan rộng trên thế giới

07:16 - Thứ Bảy, 17/08/2024 Lượt xem: 3828 In bài viết

Ngày 16-8, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng cộng 307.433 ca mắc bệnh tả và 2.326 ca tử vong đã được báo cáo từ đầu năm tới nay tại 26 quốc gia trên thế giới.

Người dân Sudan đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch tả cao. Ảnh: Sudan War Monitor

Theo WHO, khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc cao nhất, tiếp theo là châu Phi, Đông Nam Á, châu Mỹ và châu Âu.

Công tác ứng phó với bệnh tả đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vắc xin phòng bệnh tả uống (OCV). Kể từ tháng 1-2023, 18 quốc gia đã yêu cầu 105 triệu liều, gần gấp đôi so với 55 triệu liều được sản xuất trong giai đoạn này.

Do số lượng các đợt bùng phát ngày càng tăng, sự lây lan về mặt địa lý và tình trạng thiếu hụt vắc xin và nguồn lực đang diễn ra, WHO tiếp tục đánh giá rủi ro toàn cầu là rất cao, duy trì trạng thái khẩn cấp cấp độ 3.

WHO cho biết, nhiệt độ ấm lên khiến vi khuẩn gây bệnh tả sống lâu hơn, dịch bùng phát nghiêm trọng hơn và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao nhất trong một thập kỷ.

Tại châu Phi, diễn biến dịch tả ở Sudan được đánh giá là nghiêm trọng nhất. Có tới 11.327 trường hợp mắc bệnh tả, 316 ca tử vong và các ca nhiễm sốt xuất huyết, viêm màng não cũng đang gia tăng tại Sudan.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo từ cuộc nội chiến ở Sudan cũng đang làm trầm trọng thêm các bệnh truyền nhiễm bao gồm bệnh tả. "Số người nhiễm bệnh và tử vong trên thực tế có thể nhiều hơn con số được báo cáo".

Mưa lớn và lũ lụt đã làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm trầm trọng thêm tình trạng lây lan của các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết.

Tình hình đã trở nên bất lợi khi hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế buộc phải đóng cửa do xung đột đang diễn ra, khiến 2/3 dân số không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Theo nhiều báo cáo khác nhau, nhân viên y tế của đất nước, bao gồm bác sĩ, y tá, đã thiệt mạng hoặc bị thương và những cuộc tấn công liên tiếp vào cơ sở hạ tầng và nhân viên y tế đã gây hậu quả sâu rộng vì mọi người thậm chí không thể được điều trị các vết thương và bệnh nhẹ.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cảnh báo, các cuộc tấn công vào cơ sở y tế và nhân viên y tế sẽ tiếp tục gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top