Australia sẽ xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới

15:50 - Thứ Năm, 22/08/2024 Lượt xem: 4092 In bài viết

Ngày 21-8, theo France 24, Chính phủ Australia đã phê duyệt một kế hoạch đầy tham vọng cho một trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ nhằm cung cấp điện cho hàng triệu ngôi nhà trong nước và xuất khẩu cho Singapore.

Nhà máy điện mặt trời Kayenta ở Arizona, Mỹ. Ảnh: Getty

Chính quyền đã công bố phê duyệt về mặt môi trường cho dự án trị giá 24 tỷ USD của SunCable tại miền Bắc Australia, dự kiến sẽ cung cấp điện cho 3 triệu ngôi nhà.

"Đây sẽ là khu vực lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và đưa Canberra trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng xanh", Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek cho biết. Dự kiến, việc sản xuất năng lượng sẽ bắt đầu vào năm 2030, cung cấp bốn gigawatt năng lượng cho nhu cầu sử dụng trong nước.

Hai gigawatt nữa sẽ được xuất khẩu sang Singapore thông qua cáp ngầm dưới biển, cung cấp khoảng 15% nhu cầu của quốc gia này.

Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đang "thảo luận với Sun Cable về đề xuất nhập khẩu điện vào Singapore" nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tổng Giám đốc SunCable Australia Cameron Garnsworthy cho biết, việc phê duyệt là "thời điểm quan trọng trong hành trình của dự án". Theo ông, SunCable hiện sẽ tập trung nỗ lực vào giai đoạn lập kế hoạch tiếp theo để đưa dự án đi đến quyết định đầu tư cuối cùng vào năm 2027.

Các quốc gia trên thế giới đang chạy đua đưa các dự án năng lượng mặt trời lớn vào hoạt động để tạo điều kiện chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Trung Quốc dẫn đầu và đang xây dựng công suất điện gió và điện mặt trời gần gấp đôi so với các quốc gia khác.

Ngược lại, Australia vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu than và khí đốt hàng đầu thế giới, mặc dù chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu từ nắng nóng gay gắt đến lũ lụt và cháy rừng.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ, năng lượng tái tạo chiếm 32% tổng sản lượng điện của Australia vào năm 2022 so với than đá, chiếm 47%.

Bộ trưởng Môi trường Plibersek ca ngợi dự án này là một cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng dự kiến của Canberra và tạo ra "14.300 việc làm mới ở miền Bắc Australia".

Giám đốc Viện Thay đổi năng lượng tại Đại học Quốc gia Australia, Ken Baldwin đánh giá, đây là dự án đầu tiên trên thế giới xuất khẩu điện tái tạo từ năng lượng mặt trời và gió ở quy mô lớn. Ông Baldwin cho biết, đà phát triển này phải tiếp tục, đặc biệt là nếu Australia muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giám đốc điều hành Hội đồng Khí hậu Amanda McKenzie nhận định, trung tâm năng lượng mặt trời mới là bước đi táo bạo trong việc biến Australia thành "cường quốc năng lượng sạch" và những dự án này rất cần thiết trong việc "cung cấp năng lượng giá cả phải chăng và giảm ô nhiễm khí hậu".

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top