Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển: Hành trình còn nhiều cam go

08:12 - Thứ Năm, 29/08/2024 Lượt xem: 2955 In bài viết

Tròn 1 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, Nhật Bản vẫn đối mặt không ít thách thức và chỉ trích bất chấp đã triển khai hàng loạt nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn.

Việc xử lý lượng nước nhiễm xạ đã qua xử lý dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ, vì vậy hành trình này sẽ còn gặp nhiều cam go.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm chợ cá Onahama tại Fukushima, ngày 24-8. Ảnh: Kyodo

Cách đây đúng 1 năm, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu xả nước thải qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Tính tới ngày 25-8, đã có khoảng 62.800 tấn nước được đưa ra biển, trong khuôn khổ đợt xả thứ 8. Trong tài khóa kết thúc vào tháng 3-2025, TEPCO dự kiến còn 3 đợt xả thải.

Tất cả lượng nước này là hệ quả của việc ba lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi nằm trên bờ biển phía Đông Nhật Bản bị phá hủy ngày 11-3-2011 khi trận động đất mạnh 9 độ richter gây ra sóng thần.

Tới nay, phần lớn trong số 1 triệu tấn nước từng dùng hạ nhiệt các lò phản ứng vẫn đang được trữ trong hơn 1.000 bể chứa. Do lo ngại về việc các bể chứa bị rò rỉ trong trường hợp xảy ra mưa bão hoặc động đất, cũng như dung tích chứa đang cạn dần, năm 2021 Nhật Bản đã phê duyệt việc xử lý nước thải bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), sau đó pha loãng và xả ra biển Thái Bình Dương.

Theo công bố, ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ trong đó có Cobalt-60, Strontium-90 và Caesium-137 xuống mức an toàn. Ngoại lệ duy nhất là tritium, nhưng đồng vị phóng xạ của hydro này thực tế có mặt rộng rãi trong tự nhiên.

Dù vấp phải một số sự cố nhỏ, thực tế là toàn bộ các chỉ số liên quan tới nay đều nằm trong giới hạn an toàn của Nhật Bản và quốc tế.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã tiến hành hai vòng kiểm tra tại chỗ kể từ khi việc xả nước bắt đầu, và không phát hiện bất thường nào.

Nồng độ tritium trong nước thải từ Fukushima Dai-ichi trong các đánh giá gần đây ghi nhận cũng thấp hơn nhiều lần so với mức tiêu chuẩn nước uống 10.000 Becquerel (Bq) mỗi lít do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định, và thấp hơn đáng kể so với nước thải từ các nhà máy điện hạt nhân khác trên toàn cầu.

Để chứng minh tính an toàn, Nhật Bản cũng đã tiến hành hàng loạt thực nghiệm nuôi các loại sinh vật biển, bao gồm nhiều loại hải sản quan trọng của vùng Đông Bắc nước này kể từ tháng 9-2022, khoảng một năm trước khi đợt xả nước đầu tiên.

Ngày 27-8, Hãng thông tấn Kyodo cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida còn tới một chợ cá địa phương, ăn thử cá ngừ và tôm để chứng minh độ an toàn của các sản phẩm này.

Với những nỗ lực nói trên, Nhật Bản muốn chứng minh cho thế giới thấy, nước được xả ra sau khi đã xử lý không hề tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới mặt nước biển, qua đó trấn an ngư dân địa phương về việc hải sản trong khu vực sẽ khó tiêu thụ do quá trình xả nước thải, đồng thời mang tới dữ liệu cần thiết cho việc thuyết phục các đối tác quốc tế.

Đây là những nỗ lực hết sức cần thiết trong bối cảnh tâm lý lo ngại và cẩn trọng đang tác động tiêu cực không chỉ tới đời sống ngư dân địa phương mà cả hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản - chủ yếu do các lệnh cấm nhập khẩu hải sản của những bạn hàng lớn.

Dù Nhật Bản đã cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có cả các nước ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á, tuy nhiên vẫn khó bù đắp được lượng sụt giảm trong xuất khẩu sang các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

Tuy nhiên, nỗ lực này chưa xóa nhòa được những tác động tiêu cực. Xuất khẩu các sản phẩm và thực phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn 701,3 tỷ yên. Đây cũng là lần giảm đầu tiên của chỉ số nửa đầu năm trong 4 năm qua.

Bản thân TEPCO cũng ước tính sẽ phải trả khoảng 75,3 tỷ yên tiền bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi việc xả nước - một con số không hề nhỏ.

Nhìn chung, những thách thức trong việc xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ra biển nhằm giải phóng không gian, hỗ trợ quá trình ngừng hoạt động của tổ hợp hạt nhân không thể kết thúc “một sớm, một chiều” vì dự kiến kéo dài tới 30 năm.

Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của Nhật Bản, chắc chắn những tác động sẽ luôn được kiểm soát tối đa, qua đó không chỉ giữ an toàn cho môi trường khu vực mà còn bảo đảm an sinh xã hội và kinh tế đất nước Hoa anh đào.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top