Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2024:

Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới

12:22 - Thứ Năm, 05/09/2024 Lượt xem: 2955 In bài viết

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 (EEF 2024) được tổ chức từ ngày 3-9 đến 6-9 tại thành phố Vladivostok (Nga) với chủ đề “Viễn Đông 2030: Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới”. Diễn đàn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa vùng Viễn Đông của Nga với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9. Ảnh: EEF

Được thành lập vào năm 2015, EEF luôn là một nền tảng quốc tế quan trọng để thiết lập và tăng cường quan hệ trong cộng đồng đầu tư Nga và toàn cầu. Là cơ hội để đánh giá toàn diện về tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông - khu vực Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định sẽ là trọng tâm phát triển trong thế kỷ XXI, diễn đàn lần này thu hút sự tham dự của hơn 6.000 đại biểu đến từ 76 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong phát biểu chào mừng, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ, Nga sẵn sàng đối thoại với tất cả các đối tác trong không gian châu Á - Thái Bình Dương. Ông chủ Điện Kremlin cũng khẳng định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề quốc tế và điều này đã mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả, kể cả trong các cấu trúc đa phương như Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Nêu bật ý nghĩa của diễn đàn năm nay, Phó Thủ tướng Yury Trutnev, đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông cho biết, EEF đã trở thành một trong những công cụ phát triển vĩ mô. Về phần mình, Cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga, Thư ký điều hành của EEF 2024 Anton Kobykov cho biết, các hoạt động kinh doanh bên lề diễn đàn năm nay sẽ đưa sự tương tác giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên một tầm cao mới, cho phép phát triển các giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông.

Với mục tiêu rõ ràng, EFF 2024 có tới 100 sự kiện chính thức, chia thành 7 chủ đề chính: Các đường hướng hợp tác quốc tế mới; Công nghệ bảo đảm độc lập; Hệ thống giá trị tài chính; Viễn Đông của Nga; Con người, Giáo dục và Lòng yêu nước; Giao thông vận tải và hậu cần: Những tuyến đường mới; và Quy hoạch tổng thể: Từ kiến trúc đến nền kinh tế. Trong khi đó, chương trình nghị sự bao gồm nhiều vấn đề phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác kinh doanh, chủ yếu với Trung Quốc, an ninh kỹ thuật số, vận tải, hậu cần, giảm khí thải độc hại vào khí quyển... Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ có nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại và kinh tế, khoa học - kỹ thuật, xã hội, văn hóa, viễn thông, kinh tế kỹ thuật số, giáo dục, nhà ở và dịch vụ công cộng… Các bên tham gia cũng có cơ hội tìm hiểu những tiềm năng đầu tư mà EEF mang lại và điều kiện kinh doanh trong các đặc khu kinh tế.

Trong các phiên làm việc ngày 4-9 và 5-9, các đại biểu đã thảo luận về vai trò của các nước BRICS+ trong thương mại toàn cầu, phát triển chuỗi sản xuất của EAEU, SCO và BRICS, hợp tác giữa các nước thuộc hiệp hội trong lĩnh vực dược phẩm. Diễn đàn cũng tập trung vào các trao đổi làm thế nào để phát triển quan hệ đối tác công tư và các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực BRICS+. Trong ngày cuối cùng 6-9, các đại biểu sẽ thảo luận về triển vọng hợp tác giữa các nước BRICS trong thăm dò Bắc Cực, hợp tác kinh tế giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc ở Á - Âu và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong khu vực tài phán của các nước BRICS.

Chương trình của Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2024 còn bao gồm các cuộc đối thoại kinh doanh giữa doanh nhân Nga và các đối tác đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Tham dự diễn đàn lần này, ngoài những đóng góp trong các phiên thảo luận, Việt Nam cũng tổ chức triển lãm “Việt Nam: Con đường đi tới độc lập, công bằng và thịnh vượng”, trong đó có trưng bày nhiều tư liệu về quan hệ Việt Nam - Nga. Hội thảo khoa học và thực tiễn quốc tế Nga - Việt Nam, một sự kiện khác trong khuôn khổ diễn đàn lần này, còn là hành động thiết thực hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025.

Với đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, lại nằm trong khu vực nhiều quốc gia đang phát triển mạnh mẽ là châu Á - Thái Bình Dương, Viễn Đông tiếp tục là đòn bẩy rất hiệu quả cho phép Nga thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Với mục tiêu này, EFF 2024 hiển nhiên là cơ hội vô cùng quý giá để tăng cường kết nối các mối quan hệ kinh tế.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top